Càng gần mốc 1 tuổi, em bé của bạn càng trở nên độc lập hơn, nhất là trong việc ăn uống. Song song với đó, bé cũng cầu kỳ và lười ăn hơn.
Những gợi ý dưới đây giúp bạn ứng phó với bé hiệu quả hơn khi bé lười ăn:
1. Hãy để bé có thời gian vui vẻ
Ở tuổi này, bé cần có tâm lý thoải mái với các loại thức ăn mẹ cung cấp cho bé. Điều này có nghĩa là, bé được bốc thức ăn, cầm nắm, thậm chí là bóp và ném thức ăn. Vì thế, bé có cảm giác được tự do và coi giờ ăn như một giờ chơi.
Nếu bạn để bé được tha hồ bốc, nghịch thức ăn cho những bữa phụ thì bé có thể gây ra một đống lộn xộn nhưng cũng sẽ đưa vào miệng một lượng thực phẩm nhất định. Khi đã chán, bé sẽ tự mình chuyển sang những hoạt động tiếp theo. Nếu bé đói sau đó, bé sẽ sớm cho bạn biết.
2. Đừng băn khoăn về một chút lộn xộn
Hãy giảm mức độ stress của bạn tới mức tối thiểu khi cho con ăn bởi con bạn chắc chắn sẽ gây lộn xộn trong bữa ăn. Bạn cần đeo yếm cho bé, trải lên chỗ ngồi của bạn một miếng nilon không thấm nước; bỏ những yếu tố gây phiền nhiễu như tivi... cũng là gợi ý tốt.
3. Đa dạng kết cấu trong thức ăn
Nghiên cứu cho thấy, ở độ tuổi lên 1, bạn có thể cho bé làm quen với những dạng kết cấu thức ăn như của người lớn. Điều này giúp bé phát triển kỹ năng nhai, nuốt; nhiều nghiên cứu khẳng định, những bé "ăn tạp" thì càng bớt cầu kỳ trong ăn uống về sau này. Nếu bạn chuộng đồ ăn nhuyễn cho con, hãy chuyển sang dạng mảnh, cục nhỏ. Bắt đầu với hương liệu bé yêu thích và dễ chấp nhận như bánh mỳ que hoặc bánh gạo.
4. Đừng bỏ cuộc
Khi bé yêu từ chối món ăn mà bạn dày công chuẩn bị, điều này dễ khiến bạn bực mình và cáu giận với con. Điều quan trọng là cần khuyến khích bé phát triển khẩu vị với một chế độ ăn đa dạng. Vì thế, hãy tiếp tục cung cấp các loại rau ở mỗi bữa ăn. Ngoài ra, có thể trộn các loại rau khác nhau thành món canh hoặc nước sốt chấm bánh mỳ. Nếu bé nhà bạn không yêu rau, hãy chuyển sang những loại củ quả dành cho bé.
5. Khuyến khích ăn uống độc lập
Lười ăn giai đoạn này có thể là kết quả do bé muốn tự ăn nhưng không được mẹ chấp nhận. Do đó, hãy thử cho bé ăn bằng thìa riêng của bé. Bé cũng có thể thích thức ăn dạng thỏi dài cỡ ngón tay như một mảnh thịt gà mỏng, dài, dưa chuột và carrot thái thành khối dài.
6. Không cho bé ăn nhiều đồ ăn nhẹ và đồ uống giữa các bữa
Nếu bé nhà bạn no bụng vì các món ăn nhẹ, đồ uống thì chắc chắn bé sẽ không bị đói vào bữa chính. Vì vậy, không ngạc nhiên khi bé bắt đầu từ chối những món bé từng yêu thích. Đồ uống (ngoài sữa mẹ và sữa công thức) nên được giới hạn để bảo vệ răng sữa và sức khỏe của bé.
7. Xem xét các lý do khác
Đừng quá căng thẳng khi bé bỗng dưng lười ăn một chút. Hãy nghĩ về những lúc bạn không hề muốn ăn, khi bạn bị bệnh, mệt mỏi, buồn bã... Tương tự như vậy, đôi khi sự thay đổi thói quen trong ăn uống của bé có thể là dấu hiệu của một cái gì khác như đau răng, đau bụng, cảm cúm hay thay đổi môi trường chăm sóc bé.
Hãy cố gắng bình tĩnh khi bé lười ăn. Đừng vội vã gây áp lực cho bé vì căng thẳng từ mẹ có thể làm bé giảm cảm giác ngon miệng hay sợ hãi. Hãy cho bé ăn cùng gia đình và cung cấp nhiều lời khen ngợi khi bé ăn ngoan.
8. Đừng ngại nhờ giúp đỡ
Chăm ăn cho con có thể gây áp lực lớn cho cha mẹ. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm về ăn uống của con. Ngoài ra, cũng có thể trò chuyện với các bà mẹ khác để thấy rằng, việc con lười ăn ở một giai đoạn nào đó là điều hết sức bình thường.
Theo mevabe