Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hà Nội “xốc” lại đội ngũ nhà giáo


Một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành GD-ĐT Hà Nội kiên trì theo đuổi từ khi mở rộng địa giới hành chính là giảm dần sự khác biệt về chất lượng GD-ĐT giữa các vùng, miền. Bởi thế, bên cạnh việc tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ được coi là nhiệm vụ hàng đầu.


Với số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên lớn nhất cả nước (hơn 100 nghìn người), việc "xốc" lại đội ngũ một cách toàn diện được đánh giá sẽ có tác động tích cực đến chất lượng GD-ĐT toàn ngành.


Quan tâm cả đến nhân viên

Theo đại diện lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội, việc xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngành GD-ĐT Thủ đô giai đoạn 2011-2015 là nhiệm vụ cần thiết trong thời điểm này. Kết quả thực hiện Chỉ thị 40-CT/TƯ ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị 35/CT-TU ngày 4-8-2005 của Thành ủy và Kế hoạch 79/KH-UB ngày 27-12-2005 của UBND TP Hà Nội cho thấy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý Thủ đô đã cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng được các yêu cầu của ngành và xã hội. Tuy nhiên, sau khi mở rộng địa giới hành chính, số lượng cán bộ (CB), giáo viên (GV), nhân viên (NV) toàn ngành tăng gấp đôi và có sự khác biệt nhất định về chất lượng giữa các địa bàn.


Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tạo nên sự đồng đều giữa các địa bàn là mục tiêu hàng đầu của ngành giáo dục. Trong ảnh: Chăm sóc trẻ tại Trường Mầm non Cổ Loa, huyện Đông Anh. Ảnh: Phương An


Để giảm dần sự khác biệt đó, một kế hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đã được dự thảo, trong đó điểm mới là đã quan tâm cả đến đội ngũ NV toàn ngành. Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Hà Nội) Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, với cấp học mầm non, vai trò của đội ngũ NV là vô cùng quan trọng, bởi ngoài nhiệm vụ giáo dục, trường mầm non còn có nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ.


Theo thống kê, riêng ở cấp học mầm non đã có hơn 7.000 NV. Để đảm đương nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, các NV kế toán, NV nấu ăn của trường mầm non phải biết xây dựng thực đơn, biết tính khẩu phần ăn của trẻ sao cho cân đối về dinh dưỡng, tiết kiệm mà lại ngon miệng. Việc quan tâm tới đội ngũ này được lãnh đạo ngành mong đợi sẽ hạ thấp hơn nữa tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non của Hà Nội (tỷ lệ này hiện là 7,4% với trẻ mẫu giáo và 6,3% với trẻ nhà trẻ); tỷ lệ suy dinh dưỡng giữa các địa bàn cũng sẽ bớt cách xa nhau.


Coi trọng học tập suốt đời
Một trong những mục tiêu được lãnh đạo ngành đặc biệt quan tâm giai đoạn này là việc nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, CB quản lý ngành học giáo dục thường xuyên (GDTX), nơi tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời. Theo kế hoạch, đến năm 2015, 100% số CB, GV ngành học này đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn ở CB quản lý là 25% ( hiện nay là 10,3%), GV là 10% ( năm học 2010-2011 là 1,7%).


Với điểm "xuất phát" thấp, cho nên so với các cấp học, ngành học khác của Hà Nội, mục tiêu về tỷ lệ CB quản lý, GV có trình độ trên chuẩn vào năm 2015 của GDTX chỉ là ở mức khiêm tốn nhất. Về điều này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Mục tiêu về tỷ lệ CB quản lý, GV GDTX có trình độ trên chuẩn vào năm 2015 được xây dựng trên căn cứ thực tiễn và khả thi. Tuy nhiên, với vai trò của ngành học GDTX trong việc xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 112/2005/QĐ-TTg, thì mục tiêu này cần phải được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn.


Việc xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập được dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết, liên thông giữa hai bộ phận: giáo dục chính quy và giáo dục không chính quy. Trong đó, nhiệm vụ của GDTX là thực hiện các chương trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu "cần gì học nấy" của người dân, tạo điều kiện tối đa để mỗi người dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Nhưng thực tế, sự quan tâm, đầu tư cho GDTX chưa tương xứng với vai trò và nhiệm vụ của ngành học này, còn có sự khác biệt xa so với giáo dục chính quy. "Vì vậy, xây dựng mục tiêu cho ngành học GDTX cần theo hướng làm thế nào để ngành học này cũng được coi trọng như các cấp học khác của giáo dục chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân"- TS Lộc khẳng định. Việc "nâng cốt" cho ngành học GDTX thời điểm này được đánh giá là vô cùng quan trọng và cần thiết để tạo điều kiện cho những công dân trong xã hội tham gia học tập thường xuyên, nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống.


Việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CB quản lý ngành GD-ĐT giai đoạn tới được dự kiến có thêm nhiều "điểm nhấn" để phát triển toàn diện hơn, song theo ý kiến của nhiều CB quản lý ngành, có đạt được mục tiêu đó hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc thanh tra, đánh giá. Không thể quá trông chờ vào các cơ sở đào tạo để có ngay những "sản phẩm" đáp ứng được mọi nhu cầu xã hội. Chấp nhận mức độ đáp ứng khác nhau nhưng cần đánh giá định kỳ GV, NV sau khi ra trường (khoảng 5 năm/lần) để mỗi GV, NV tự hoàn thiện mình và các cấp quản lý nắm được những chỗ hổng về kiến thức, kỹ năng của từng đối tượng nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện đội ngũ.


- Kế hoạch xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, CB quản lý giai đoạn 2011-2015 được chia làm 2 giai đoạn (2011-2013 và 2013-2015).


- Kinh phí dự kiến: Hơn 688 tỷ đồng, trong đó khối quận, huyện là hơn 586 tỷ đồng; khối trực thuộc 102 tỷ đồng.


- 6 giải pháp cơ bản: Rà soát, sắp xếp, sử dụng, bổ sung, luân chuyển; xây dựng, bổ sung và hoàn thiện một số chính sách, chế độ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng; củng cố, nâng cao chất lượng các trường tham gia đào tạo, bồi dưỡng; thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.


Theo HNM