Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non: Đào tạo cấp tốc cũng không đủ


Theo Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), cả nước còn thiếu trên 20.000 giáo viên mầm non (GVMN) để thực hiện đề án phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi vào năm 2015. Còn tại TP.HCM, trong ba năm gần đây, mỗi năm TP thiếu hơn 2.000 GVMN, nhiều trường phải sử dụng bảo mẫu thay thế. TP đang đẩy nhanh tốc độ đào tạo, bồi dưỡng, tuy nhiên, tình hình cho thấy để có đủ nguồn GV là một bài toán khó.


Bảo mẫu thay thế cho GVMN
Hiện TP có chưa tới 700 trường MN nhưng chỉ cókhoảng 400 trường công lập, vẫn còn đến 12 phường không có trường MN công lập nên các trường dân lập, tư thục và nhóm trẻ gia đình gánh phần lớn nhu cầu gửi trẻ ở những địa bàn này. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất lại là số lượng GV còn thiếu nhiều so với nhu cầu. Theo quy định, mỗi lớp chỉ có từ 30 - 35 trẻ nhưng các trường phải nâng số lượng trẻ lên (1,5 lần, thậm chí gấp đôi) mới đáp ứng được nhu cầu và cũng để trang trải chi phí hoạt động. Các trường công lập thường có sĩ số rất cao, từ 40-60 trẻ/lớp, trung bình một GVMN hiện phải đảm đương việc chăm sóc cho hơn 20 trẻ. Cũng do thiếu GV trầm trọng nên nhiều trường tư buộc phải sử dụng những GV chỉ qua các lớp đào tạo cấp tốc hoặc có nơi sử dụng người chưa qua đào tạo.


Thống kê cho biết, hiện TP.HCM có đến 2.400 bảo mẫu đang làm việc thay thế GV ở khu vực MN tư thục, khó đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ. Thực tế này làm cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT không khỏi lo lắng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: "Cần tăng cường thanh kiểm tra các trường tư thục, nhất là công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ. Tình trạng bạo hành cũng như không an toàn đối với trẻ thường xảy ra ở các nhà trẻ, nhóm lớp tư thục". Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD&ĐT TP cũng thừa nhận, ngay cả việc kiểm tra các cơ sở, nhóm lớp MN tư thục mà ngành còn không làm nổi vì thiếu nhân lực, có những quận, huyện nếu kiểm tra hết một lượt các cơ sở tư thục thôi cũng mất hàng tháng trời.


Mở hết năng suất đào tạo, nhưng...
Trước những khó khăn như trên, cùng với việc TP.HCM đang thực hiện đề án phổ cập GVMN cho trẻ 5 tuổi làm cho ngành Giáo dục TP vốn đang thiếu GV nay còn trầm trọng hơn. Bởi theo tính toán, đến năm 2013 phải có khoảng 4.000 GV cho hai bậc MN và tiểu học. Cho nên, TP đang đẩy mạnh các khoá đào tạo vừa học vừa làm tại địa phương. Sở GD&ĐT phối hợp với các trường sư phạm mở hết tốc lực đào tạo, song song đó thu hút tất cả giáo sinh tỉnh về dạy ở khu vực MN tư thục và các huyện ngoại thành. Ngoài ra, mỗi trường THPT tổ chức kết nghĩa với ít nhất 1 trường MN, tiểu học trên địa bàn quận, huyện, qua đó nữ sinh được làm quen với môi trường sư phạm, để nếu em nào yêu thích nghề thì sẽ đăng ký dự thi... Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cho biết trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, nhóm ngành Sư phạm rất ít hồ sơ đăng ký là một dấu hiện đáng lo ngại cho nguồn nhân lực này.


Tuy nhiên, dù HS có đăng ký nhiều đi chăng nữa nhưng chỉ tiêu đào tạo của các trường năm nay không cao thì vẫn không thể đáp ứng nhu cầu. Theo đó, thông tin từ trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cho biết, năm 2011 trường được giao chỉ có 500 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2010.


Tương tự, năm nay ĐH Sài Gòn cũng chỉ được duyệt có 4.500 chỉ tiêu cho tất cả các chuyên ngành, trong đó hai ngành học MN và Tiểu học chỉ có 350 chỉ tiêu. Còn ông Tạ Quang Lâm, Phó phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, năm nay chỉ tuyển khoảng 120 chỉ tiêu cho ngành Sư phạm MN. Nếu như vậy, khó cóthể đáp ứng nguồn GV mà TP.HCM đang cần để thực hiện đề án trên. Ông Lâm cũng nói thêm: "So với chỉ tiêu được giao thì trường không có ngân sách để đào tạo chính quy, cho nên nếu Sở GD&ĐT TP muốn đào tạo thêm thì trường có thể đáp ứng ngay, có điều học phí và học bổng phải do địa phương chi trả. Nếu như vậy, mỗi năm trường có thể đào tạo khoảng 400-500 chỉ tiêu dạng này".


Vì lương thấp + áp lực cao, nên...

Theo các GVMN thì thu nhập thấp và áp lực công việc là nguyên nhân khiến HS không mặn mà với ngành Sư phạm MN. Hiện nay, GVMN trình độ ĐH, CĐ mới ra trường có mức lương 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, GV trình độ trung cấp thu nhập còn thấp hơn. Những áp lực từ công việc hằng ngày khiến nhiều GV căng thẳng. Mỗi ngày một GVMN phải làm việc 10-12 tiếng. Trong thời gian này, các cô luôn phải theo dõi trẻ từng miếng ăn, lúc vui chơi hay trong giấc ngủ, chưa kể các cô thường phải làm thêm công việc của bảo mẫu như giặt khăn, lau dọn phòng, nhà vệ sinh... Chưa hết, áp lực từ phía phụ huynh và Ban Giám hiệu nhà trường cũng góp phần làm cho GV thật sự căng thẳng.


Nhiều chuyên gia về giáo dục nhìn nhận, về lâu dài nếu không có chính sách cải thiện thu nhập thì tình trạng thiếu GVMN sẽ còn kéo dài, đi cùng với nó là chuyện quá tải triền miên làm cho chất lượng giáo dục bậc học này không nâng cao như mong muốn được.


Theo Báo Văn Hóa