Vào bất cứ phòng học nào của các trường mầm non dù ở thành thị hay nông thôn ta đều bắt gặp những đồ chơi, đồ dùng và nhiều khi cả những thiết bị dạy học do GV và HS tự làm. Từ những vật dụng hết sức đơn giản trong cuộc sống (hộp sữa, lõi ngô, tấm bìa các tông) nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của GV, những thứ tưởng chừng như vô dụng lại biến thành những đồ dùng, đồ chơi đầy màu sắc. Giờ học trở nên sinh động, HS hứng thú hơn một phần nhờ đồ dùng, đồ chơi trên.
Kinh phí dành cho MN còn hạn chế
Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Ngô Thị Hợp cho biết: Danh mục dùng cho GDMN được quy định tại Thông tư 02/2010 TT-BGDĐT, nhóm trẻ 3-12 tháng tuổi (15 trẻ/lớp) có 50 thiết bị, lớp mẫu giáo 3-4 tuổi (25 trẻ/lớp) có 104 thiết bị và lớp mẫu giáo 4-5 tuổi (30 trẻ/lớp) có 126 thiết bị. Với những vùng thuận lợi, việc mua sắm thiết bị từ ngân sách nhà nước hoặc xã hội hoá từ nguồn đóng góp của phụ huynh HS hay sự ủng hộ của doanh nghiệp khá dễ dàng. Tuy nhiên, với vùng khó, việc mua được tất cả thiết bị theo yêu cầu về số lượng và chất lượng lại là việc đáng bàn.
Từ những vật liệu đơn giản (hộp nhựa, cuộn len...), GVMN tạo ra thế giới đồ chơi đầy màu sắc
Theo Phó GĐ Sở GD-ĐT Phú Thọ Nguyễn Thị Thành Chung: Là một trong những địa phương đăng ký hoàn thành PCGD MN trẻ 5 tuổi vào năm 2012 nên các tiêu chí về con người được đảm bảo nhưng điều lo ngại nhất với tỉnh này vẫn là cơ sở vật chất. Hiện nhiều trường học vẫn thiếu phòng học dành cho lớp 5 tuổi hoặc lớp học cho đối tượng trên chưa đủ thiết bị, đồ dùng dạy học theo quy định của Điều lệ trường MN hoặc có nhưng chất lượng không đảm bảo. GĐ Sở GD-ĐT Ninh Bình Lê Văn Dung cho biết: Năm 2011 UBND tỉnh trích 8 tỷ đồng, trong đó trên 5 tỷ từ chương trình mục tiêu quốc gia để mua thiết bị cho các trường MN nhưng không đủ. Trung bình mỗi lớp MG cần trên 100 thiết bị, chủ yếu là đồ dùng đồ chơi nếu không xã hội hoá, không khuyến khích GV tự làm thì dù được ưu tiên kinh phí thực hiện đề án phổ cập MN trẻ 5 tuổi cũng không thể trang bị đủ cho 149 trường trong toàn tỉnh. Đồng quan điểm với GĐ Sở GD-ĐT Ninh Bình, ông Đặng Phương Bắc, GĐ Sở GD-ĐT Thái Bình nhận định: Mặc dù được UBND tỉnh đồng tình ủng hộ mọi chủ trương của ngành nhưng kinh phí từ ngân sách vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thực hiện đề án PC GDMN trẻ 5 tuổi, UBND tỉnh ra QĐ chuyển 287 trường MN bàn công và 100% trường nghề sang công lập. Sở đã tiến hành đầu tư để các trường MN bán công được hưởng tiêu chuẩn của trường MN công lập. GDMN được chi 10 tỷ đồng từ tiền ngân sách (nguồn ngân sách địa phương, chương trình mục tiêu) để mua sắm thiết bị, đồ dùng đồ chơi phục vụ PC. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT cũng giao trách nhiệm cho các phòng GD phải tham mưu với lãnh đạo địa phương, xã, huyện cũng dành thêm ngân sách để đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm thiết bị phục vụ cho lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Đồ đùng đồ chơi tự làm: Một phần không thể thiếu trong trường MN
Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Ngô Thị Hợp nhận định đặc điểm nổi bật của bậc học MN đó là "chơi là học". Do vậy, ngành đã phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học trong các trường MN. Phong trào trên không chỉ giúp trẻ tích cực khám phá, thử nghiệm, sáng tạo trong hoạt động cá nhân hay nhóm mà còn góp phần đổi mới phương pháp dạy học của GV theo Chương trình GDMN mới, từ đó nâng cao chất lượng GDMN. Nhận thấy sự thành công của "việc làm nhỏ, kết quả lớn", nhiều địa phương đã định kỳ tổ chức hội thi sử dụng và tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trong nhà trường. Nhiều sản phẩm tự làm đạt giải cao tại các cuộc thi, nhiều GV linh hoạt trong việc sử dụng thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong mỗi tiết học.
Bé say sưa khám phá đồ dùng, đồ chơi do cô giáo tự làm
Theo Hiệu trưởng Trường MN Tân Hoà A (P. Tân Hoà, TP Hoà Bình, Hoà Bình) Hà Thị Thịnh, để nâng cao chất lượng GD, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ, việc xã hội hoá để mua sắm thêm thiết bị, đồ dùng đồ chơi là vô cùng cần thiết. Trung bình mỗi năm, nhà trường huy động được từ 60-100 triệu để mua đồ dùng đồ chơi. Tuy nhiên, từ khi triển khai chương trình GDMN mới, yêu cầu GV phải dạy theo chủ đề, chủ điểm nên xảy ra tình trạng thiếu đồ dùng đồ chơi. Do vậy, tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học trở thành phong trào, trách nhiệm của mỗi GV. Hiệu phó MN Hoa Hồng (xã Thống Nhất, TP Hoà Bình, Hoà Bình) Lê Thị Lan chia sẻ: Thực hiện chương trình GDMN mới, nhà trường thiếu nhiều thiết bị. Do vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường yêu cầu GV mỗi lớp rà soát lại các thiết bị để xem cái nào cần sửa chữa hoặc thay mới. Tuy nhiên, mặc dù ở thành phố nhưng đời sống người dân còn khó khăn nên việc huy động sự đóng góp của phụ huynh cũng rất... khiêm tốn. Trung bình mỗi HS đóng thêm 127.000đ để mua sách vở, học liệu. Gia đình khó khăn quá có thể đóng góp nguyên vật liệu có sẵn trong gia đình (hộp nhựa, mảnh gỗ...) để GV và HS cùng làm đồ dùng, đồ chơi.
Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT Hoà Bình) Nguyễn Thị Bắc cho biết: Ngay từ đầu năm học, Phòng có văn bản yêu cầu các phòng GD trực thuộc tiến hành rà soát thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để lên kế hoạch mua sắm cho phù hợp. Kinh phí mua sắm thiết bị ngoài nguồn của chương trình mục tiêu quốc gia, chi thường xuyên, nếu thiếu thì có thể xã hội hoá, còn lại GV sẽ tự làm. Hiện đồ dùng tự tạo được GV làm theo chủ đề nên độ bền phụ thuộc và nguyên liệu. Với tỉnh khó như Hoà Bình, nếu GV không làm thêm thì không đủ thiết bị để dạy cho HS theo từng chủ đề, chủ điểm. Tuy nhiên, nguyên liệu do phụ huynh đóng góp nên đa dạng và phong phú nhưng độ bền không cao. Do vậy, để hỗ trợ GV cũng như đảm bảo an toàn cho HS, ngành đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ mỗi lớp học 3-5 triệu đồng để GV chủ động trong việc mua sắm nguyên vật liệu...
Sản phẩm của óc sáng tạo và bàn tay khéo léo
Qua bàn tay khéo léo của các cô giáo trường MN, những vật dụng bỏ đi như chai nước, hộp sữa, con ghẹ bỗng trở thành những đồ dùng học tập sinh động, bắt mắt.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, GV Trường MN Trung Lương (Định Hoá, Thái Nguyên) cho biết: Để làm được đồ dùng, đồ chơi, bản thân GV phải nghiên cứu bài dạy rất kỹ. Có thể nói những buổi cùng đồng nghiệp làm đồ dùng dạy học đã giúp mỗi GV vỡ ra những kiến thức bổ ích, mới thấy làm GVMN thật khó. GVMN không chỉ biết dạy, biết dỗ mà còn là nhà thiết kế, sáng tạo ra những đồ chơi phù hợp với trẻ. Còn cô Ma Thị Huyền (GV Trường MN Trung Hội, Định Hoá, Thái Nguyên) lại tâm sự: Là xã 135 nên cơ sở vật chất của trường chưa kiên cố hóa toàn bộ. 60% thiết bị phục vụ việc dạy và học do GV và HS tự làm. Ban đầu, GV cũng lo lắng vì không biết phải bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, sau vài lần tham khảo các mẫu đồ chơi trên mạng, với những nguyên liệu sẵn có trong gia đình do phụ huynh đóng góp, cô và trò cũng sáng tạo ra những con vật, đồ chơi tại Góc mở trong lớp học. Việc tận dụng phế thải đã tạo ra nhiều đồ dùng học tập, giúp HS mầm non học cách tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Nhiều bé khi uống sữa, uống nước xong biết giữ lại vỏ chai để nộp cho nhà trường", cô Huyền cho biết.
"Ngoài việc dùng trong các giờ học toán, học về thế giới động vật, học vẽ..., đồ chơi phế thải còn minh hoạ cho các con vật, nhân vật trong các câu chuyện cổ tích của cô giáo, giúp trẻ hứng thú tiếp thu... Đây thực sự là sách giáo khoa của trẻ và là bài học đầu tiên để trẻ khám phá thế giới xung quanh đầy màu sắc", Phó GĐ Sở GD-ĐT Thái Nguyên Vũ Thị Nga khẳng định. Còn theo Trưởng phòng GDMN (Sở GD-ĐT Thái Nguyên) Nguyễn Thị Minh Loan, không chỉ làm đồ chơi, GVMN còn biết cách trưng bày, bố cục hợp lý, thể hiện năng khiếu thẩm mỹ cao. Vào thăm khu vực trưng bày đồ dùng, đồ chơi do các thầy cô giáo sáng tạo ra, chúng ta như lạc vào một siêu thị đồ chơi. Từ những nguyên liệu đơn giản, qua bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, các cô giúp trẻ có những trải nghiệm thú vị.
Theo GD&TĐ