Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé từ chối thức ăn dạng cục


Đổi từ thức ăn nhuyễn sang đồ ăn có kết cấu khác không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Nhiều cha mẹ bỏ thói quen nghiền nhuyễn đồ ăn khi bé bắt đầu bước sang tháng thứ 7 - thứ 8 nhưng cha mẹ nhận thấy, bé luôn nhè thực phẩm lổn nhổn ra.

Điều quan trọng lúc này là bạn phải kiên trì. Đừng nghĩ rằng cứ kệ bé vì khi lớn hơn, chắc chắn bé sẽ chấp nhận kết cấu lốn nhốn của thức ăn cứng. Nghĩ như thế nghĩa là bạn đã đầu hàng với việc dạy con học nhai và điều này không có lợi cho sự phát triển của bé. Bởi vì, các cơ bé dùng học nhai cũng chính là các cơ bé cần để học nói. Vì thế, những thực phẩm sần sùi sẽ giúp bé phát triển theo nhiều cách toàn diện chứ không phải đơn thuần là biết nhai.

Đừng bỏ cuộc nếu bé không muốn nhai.

Từng bước với bé
Bạn có thể bắt đầu giới thiệu thực phẩm có kết cấu cục u nhỏ lúc bé được khoảng 7 tháng tuổi. Không vấn đề gì nếu bé chưa có răng sữa vì bé vẫn có thể học nhai bằng cách sử dụng lợi (nướu) răng.

Các chuyên gia nói rằng cách tốt nhất để giúp bé học cách ăn uống tốt là thay đổi kết cấu dần dần. Và cách dễ nhất để làm điều này là người mẹ nên tự chuẩn bị bữa ăn cho con vì như thế bạn mới chủ động và kiểm soát được việc dạy con nhai.

Thông thường, thức ăn cho bé ở giai đoạn 1 là mịn và nhuyễn thì khi bước vào giai đoạn 2, bạn nên chuẩn bị cho bé làm quen với những đồ ăn có miếng lớn hơn như mì ống hoặc hạt đậu hấp chín, xắn nhỏ để bé không bị nghẹn.

Trước tiên, hãy thử làm đặc đồ ăn nhuyễn mà bé đã quen thuộc. Sau đó, thêm các chất liệu thô hơn như vài hạt cơm chín mềm, mì, nui nấu chín, cắt ngắn. Hoặc bạn hấp một số loại rau xanh, củ quả rồi dùng thìa dầm nhuyễn - điều này khác hoàn toàn so với việc dùng máy xay nhuyễn.

Tăng dần độ đặc của các thực phẩm nghiền và tiếp đến, bạn có thể bắt đầu cắt khúc một số loại rau rồi đánh tơi, trộn vào bát bột (cháo) cho bé. Lòng đỏ trứng, thịt, cá nấu chín mềm, thái hạt lựu cũng hấp dẫn cho bé ăn bốc.

Nếu con bạn từ chối nhai
Không có gì là bất thường nếu bé từ chối những thức ăn có kết cấu mới trong lần đầu tiên (lần thứ hai hay lần thứ ba). Hãy chuẩn bị tâm lý vì bé nhà bạn có thể mím môi, hoặc quay đầu đi khi bạn đưa vài miếng thức ăn cho con. Nếu điều này xảy ra, cha mẹ đừng vội nản lòng.

Khi ấy, có thể đổi món cho bé sang một thực phẩm khác nhau nhưng có chất liệu tương tự (xoài chín thay cho đu đủ chín, chẳng hạn). Hoặc có thể bé từ chối vì món mẹ đưa ra nhiều cục cứng quá. Hãy thử trộn món lổn nhổn với một món mịn hơn nhưng không phải xay nhuyễn cho tất cả cùng mịn. Đơn giản hơn là tạm thời dừng một món lại, một tuần sau tiếp tục cho bé làm quen vì biết đâu, bé sẽ ăn nhiều hơn.

Một cách khác để giúp em bé của bạn thích thức ăn nhiều u cục là cho bé bốc. Hãy thử những dải phômai, bánh gạo, chuối chín thái hình viên đạn, bánh mì nướng bơ bằng ngón tay, táo hoặc lê nghiền sơ.

Một số bé rất giỏi nhè, ngay cả những cục thức ăn nhỏ nhất nhưng đừng cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy bé không thích kết cấu mới.

Bé cần thời gian để học cách kiểm soát các khối thức ăn trong miệng, nhai chúng, di chuyển chúng từ trước ra sau và nuốt. Cho đến khi bé thành thạo các kỹ năng này thì bé còn có thể nhè đi nhiều cục thức ăn cứng nữa. Tiếp tục cung cấp cho bé những thực phẩm tương tự để bé làm quen và có cơ hội thực hành.

Để đảm bảo bé của bạn vẫn nhận được các chất dinh dưỡng cơ thể cần, hãy chuẩn bị bữa bột (cháo) cho con với những cục mềm hơn nếu bé từ chối những cục thức ăn cứng. Cho bé tập ăn thức ăn có độ lổn nhổn cao ở bữa phụ, chẳng hạn sữa chua với hoa quả nghiền.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, một em bé có thể có vấn đề vật lý làm cho bé khó xử lý khối thức ăn dạng cục, chẳng hạn như lưỡi cứng hoặc nhạy cảm với phản xạ nuốt. Nếu bạn kiên trì cho bé ăn thức ăn dạng cục vài tuần nhưng bé không tiến bộ, nên nói chuyện với bác sĩ của bé.

Theo mevabe