Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tránh dị ứng trứng cho bé ăn dặm


Dù chọn cách nấu nướng nào, vẫn phải đảm bảo trứng được nấu chín, cả lòng đỏ và lòng trắng phải rắn.

Để hạn chế tối đa khả năng dị ứng trứng cho bé tuổi ăn dặm, cần nhớ 2 nguyên tắc: bắt đầu cho bé ăn trứng khi bé ít nhất được 6 tháng tuổi; trứng phải được nấu chín kỹ (không phải lòng đào).

Bạn có thể cho bé ăn trứng luộc, trứng hấp, trứng chiên hoặc chia sẻ một miếng trứng ốp-lếp với bé và kiểm tra xem hình thức nào khiến bé thích nhất. Dù chọn cách nấu nướng nào, vẫn phải đảm bảo trứng được nấu chín, cả lòng đỏ và lòng trắng phải rắn.

Bạn cũng có thể cho bé ăn những thực phẩm chứa trứng nấu chín chẳng hạn bánh custard.

Nhất định không cho bé ăn trứng sống hoặc trứng tái. Trứng chưa được nấu chín kỹ có thể chứa vi khuẩn salmonella, gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, cần tránh cho bé những loại thực phẩm có chứa trứng sống như kem hay mayonnaise tự chế. Nếu bạn thích làm bánh ngọt, cần cẩn thận để bé không mút thìa có chứa trứng sống.

Khi bạn cho bé ăn trứng lần đầu, chỉ nên cho bé thử 1-2 miếng để kiểm tra mức độ dị ứng. Nên cho bé ăn trứng riêng biệt với những loại đồ ăn có thể gây dị ứng như cá, lạc, Sữa bò... Bằng cách đó bạn sẽ biết được trứng có phải nguyên nhân chính của dị ứng không.

Nếu bé bị dị ứng trứng, bé sẽ có một vài phản ứng thể chất ngay sau khi ăn như: ngứa Mũi hoặc chảy nước mũi; đau họng; ngứa, cháy nước mắt; phát ban; sưng.

Nếu bạn nghi ngờ bé bị dị ứng trứng, nên đưa bé đến một phòng khám dị ứng. Tại phòng khám, chuyên gia dị ứng sẽ thực hiện một thử nghiệm đơn giản để xem bé có bị dị ứng với trứng hay không. Dị ứng trứng có thể kích hoạt một phản ứng nghiêm trọng hơn, gọi là shock phản vệ với các triệu chứng cần nhanh chóng được trợ giúp y tế như: khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu, ra mồ hôi.

Theo BIBI.vn