Bạn rất vất vả chế biến đủ loại thức ăn cho con, nhưng bé vẫn chán ăn và không lên cân. Những lời khuyên dưới đây của các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân. - Thức ăn nhạt nhẽo. Khi bé được tám tháng tuổi, bạn có thể thêm vào phần ăn của trẻ một chút hành ngò, chút gừng, thì là... để kích thích sự ngon miệng và tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Muối nên sử dụng thận trọng - chỉ cho rất ít muối để tránh cho thận của bé không phải làm việc quá tải. Khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, bạn cần nêm nhạt hơn "lưỡi" của bạn một chút. Nếu bạn nêm vừa miệng mình thì có lẽ là quá mặn hoặc quá ngọt với trẻ. - Bé cần "được đói". Thường các bà mẹ luôn canh giờ cho con ăn. Vì vậy, đôi lúc trẻ không đói nhưng vẫn bị bắt ăn đúng giờ. Việc này dẫn đến mẹ luôn hò hét trong bữa ăn còn con thì cứ "trơ trơ" ngậm chặt miệng. Thỉnh thoảng, bạn cũng nên để cho trẻ đòi ăn. Khi trẻ đói, chúng sẽ ăn ngon miệng hơn. - Hãy để cho bé tự ăn, dù chúng có thể làm bạn bực mình vì thức ăn rơi vãi. Hãy cho bé cầm muỗng nhỏ tự xúc, cầm những miếng bánh tự ăn, bé sẽ thích thú và vui vẻ. - Không nên cho trẻ uống quá nhiều nước trái cây, vì hàm lượng đường trong nước trái cây cao sẽ gây tiêu chảy và sâu răng cho bé. Khi uống nhiều nước trái cây, bé cũng sẽ thích những thức ăn có hàm lượng đường cao, vì vậy bạn nên pha loãng nước trái cây với nước lọc. - Bạn hãy để bé cùng ăn với gia đình, ngồi cùng bàn với cha mẹ, bắt chước cách cha mẹ ăn uống. Trẻ sẽ thích thú hơn khi được cùng tham gia vào bữa ăn như một "người lớn". - Với trẻ ở tuổi mẫu giáo, bé sẽ rất thích được chế biến món ăn cùng mẹ. Bạn nên yêu cầu con giúp mẹ làm bếp với những việc nhỏ như rửa, lặt rau, lấy gia vị cho mẹ. Trò chuyện với con về cách chế biến nấu ăn để bé thấy mình được mẹ tin cậy và thương yêu. - Trẻ rất ngán khi phải ăn đi ăn lại hoài một món. Vì thế, cha mẹ hãy chuẩn bị một bữa ăn đa dạng món, cứ dọn lên bàn thậm chí cả khi trẻ chỉ ăn một miếng. Khi trẻ còn nhỏ, để bé có thể làm quen với một món ăn mới có khi phải thử 10 lần hoặc nhiều hơn, trong vài tháng. - Với trẻ khoảng sáu - bảy tuổi, bạn có thể hướng dẫn bé những kỹ năng nấu nướng cơ bản, nói thêm với con về chế độ dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần ăn, những món ăn thích hợp để ăn sáng - trưa - chiều. Bạn cũng có thể cho trẻ cùng đi chợ, siêu thị để chọn mua thức ăn cho cả nhà, hoặc để trẻ góp ý kiến lên thực đơn cho gia đình. Theo Báo Phụ Nữ |