Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thiết kế bữa ăn khoa học cho con yêu


Mỗi lần đề cập đến chuyện con cái, cả văn phòng ai cũng cười lăn vì hai khung cảnh hết sức trớ trêu của chị Lý và chị Tuyết mà căn nguyên là việc thiết kế bữa ăn cho con.

Cu Sóc nhà chị Lý giờ đã béo quay béo cút, nên suốt ngày chỉ đam mê mấy mòn chiên với rán, , chiều con nên mỗi lần bé vòi vĩnh ăn gì chị đều đáp ứng triệt để. Ngược lại, bé Xù nhà chị Tuyết thì vô cùng khảnh ăn, bé không hề thích ăn thịt và chất béo, cho con ăn là cứ như là đánh vật nên giờ phải khi nào con đói đến đòi ăn chị mới lại chuẩn bị bữa cho bé... Sau một hồi lắng nghe tâm sự của chị Lý và chị Tuyết, mọi người đều kết luận là chế độ ăn như mô tả của hai chị là chưa phù hợp về thời gian và cũng chưa cân đối dưỡng chất dẫn đến chứng béo phì hay suy dinh dưỡng của bé.

Thiết kế một bữa ăn hợp lý có thể nói là một việc hoàn toàn có thể trong tầm tay của các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Thiết kế bữa ăn sáng cho con:
Khi trẻ nói: "Con không thích ăn sáng đâu!", chúng ta đừng lo lắng. Hãy bắt đầu bằng một món ăn nho nhỏ như nửa cốc sữa, một khoanh bánh mì, một ít ngũ cốc... Các loại thực phẩm như bánh mì, nui, mì, ngũ cốc hoặc cơm... là những thực phẩm then chốt của bữa điểm tâm. Cũng có thể bổ sung cho con thêm trái cây như chuối, táo, dưa hấu, nho... cắt thành từng miếng nhỏ và một ít nước trái cây tùy theo độ tuổi.

Lưu ý là đừng cho con ăn sáng quá sớm hoặc quá muộn. Thời gian ăn sáng lý tưởng nhất là từ 6-7 giờ sáng, với trẻ sơ sinh có thể cho con ăn sáng muộn hơn một chút, còn với trẻ đến lớp thì cần cho con ăn trước khi đi học 30 phút để con có thêm thời gian nghỉ ngơi sau bữa ăn.

Thiết kế hai bữa chính: Bữa ăn trưa và tối
Bữa ăn trưa là một trong những bữa chính của trẻ cho nên mẹ hãy cho trẻ ăn bữa trưa vào lúc 10h và bữa ăn cũng phải đầy đủ chất để có thể cung cấp cho trẻ nguồn năng lượng dồi dào, mẹ có thể cho trẻ ăn trưa với thực đơn gồm: cơm, các loại ngũ cốc, canh, rau xanh và chất đạm từ thịt, cá. Sau bữa ăn hãy cho trẻ ăn một chút trái cây, hoặc một ly nước ép từ cam, táo, cà chua... Tổng lượng khẩu phần ăn cho trẻ trong bữa trưa có thể từ 150 - 200g.

Đối với bữa tối, đây là bữa ăn chính cuối cùng trong ngày của trẻ. Mẹ hãy cho trẻ ăn bữa tối vào lúc 18h với khẩu phần ăn gồm: cơm (hoặc cháo), rau xanh khoảng 150 - 200g, một lượng nhỏ thức ăn bổ sung protein từ thịt, cá... cho bữa ăn cuối ngày của trẻ. Sau bữa ăn tối, mẹ có thể cho trẻ ăn thêm một hộp sữa chua để trẻ dễ tiêu hóa lượng thức ăn vừa dung nạp, hoặc cũng có thể cho trẻ ăn thêm một chút trái cây tươi.

Các mẹ nên sử dụng hạn chế đồ ăn nhanh được chế biến sẵn như xúc xích, thịt, cá đóng hộp... trong bữa ăn cho trẻ bởi có chứa chất bảo quản ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.

Còn các bữa ăn phụ thì sao?
Khoảng cách giữa các bữa ăn phụ nên cách nhau khoảng 2 đến 3 giờ. Bạn có thể tăng cường dinh dưỡng cho con ăn qua các bữa phụ với những loại thức ăn như: Trái cây tươi, sữa chua kem, bánh qui, phô mai, đậu hũ nước đường, thịt nướng que và rau củ, thậm chí đơn giản là một quả trứng gà luộc chín hoặc những món bé ưa thích. Lưu ý: Các bữa ăn phụ cũng cần có sự linh hoạt và thực đơn để con không bị chán ăn và ngày càng khỏe mạnh.

Theo afamily