Góp phần "hồi sinh"ngôi trường Không đành lòng nhìn các cháu đến tuổi ra lớp cứ thơ thẩn chơi cùng người lớn bên khung dệt chạy ù ù suốt cả ngày đầy nguy hiểm và không thể để những đồng nghiệp từng gắn bó với ngôi trường phải ngậm ngùi ra đi. Ðó là lý do để cô hiệu trưởng Trần Thị Hạnh và tập thể giáo viên Trường mầm non bán công Vạn Phúc quyết tâm vực dậy ngôi trường. Câu trả lời ngắn gọn nhưng cũng đầy trách nhiệm của cô giáo Trần Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non bán công Vạn Phúc đã lý giải vì sao một ngôi trường từ nguy cơ giải thể đã vươn lên đạt danh hiệu lá cờ đầu nhiều năm liền của ngành học mầm non Hà Tây và vừa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất. Năm 1999, Hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc (thị xã Hà Ðông, tỉnh Hà Tây) chuyển từ phương thức sản xuất tập trung về từng gia đình, chỉ để lại bộ máy nhỏ theo hình thức liên kết tập thể. Trường mầm non bán công Vạn Phúc lúc ấy cũng đứng trước nguy cơ bị giải thể, đội ngũ 34 cô giáo lo lắng, muốn bỏ trường, bỏ lớp, bởi đồng lương ít ỏi lại không ổn định. Cơ sở vật chất của trường bị xuống cấp, số cháu đến lớp giảm sút trầm trọng, chỉ còn hơn 30%. Ở thời điểm đầy khó khăn ấy, cô giáo Trần Thị Hạnh được cấp trên giao nhiệm vụ hiệu trưởng của trường. Ðể thu hút các cháu trong độ tuổi và tạo sự tin tưởng của phụ huynh khi gửi con đến trường, đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cô Hạnh mạnh dạn xin sự hỗ trợ một phần từ ngân sách xã, bản thân cô tự nguyện bỏ ra hai tháng lương của mình để chỉnh trang, sắp xếp lại các phòng học, phòng sinh hoạt chuyên môn của giáo viên, khu nhà bếp một cách hợp lý, khang trang hơn. Ðối với đội ngũ giáo viên, cô trực tiếp tìm gặp từng người, động viên những giáo viên chưa có trình độ đạt chuẩn đi học bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, được trường hỗ trợ một phần kinh phí. Cùng với 34 cô giáo, ngoài giờ ở trường cô Hiệu trưởng Trần Thị Hạnh vừa chịu khó đến từng hộ vận động cho con cháu ra lớp, không để các cháu lang thang hết sức nguy hiểm ở ngay trong xưởng sản xuất của gia đình, vừa tranh thủ mày mò, nhặt nhạnh ở các đống phế liệu của làng nghề dệt lụa, tự tay tạo nên những đồ chơi xinh xắn, ngộ nghĩnh lại mang tính giáo dục cao cho các cháu. Cô còn đến một số trường mầm non ở Hà Nội tìm hiểu, học hỏi thực đơn cho bữa ăn của các cháu rồi đề xuất để bộ phận nhà bếp thực hiện giúp các cháu ăn ngon miệng và bảo đảm dinh dưỡng, mà số tiền đóng góp của phụ huynh hằng tháng vẫn không tăng lên. Mặt khác, để đội ngũ giáo viên yên tâm nuôi dạy các cháu, gắn bó với trường, cô Hạnh đã có quyết định được coi là đầy táo bạo: đề nghị với công đoàn ngành giáo dục Hà Tây cho phép thành lập tổ chức công đoàn tại trường, bởi vào thời điểm đó, các trường mầm non dân lập và bán công ở Hà Tây đều chưa có tổ chức công đoàn. Sau đó, cô chủ động bàn bạc với tập thể ban giám hiệu, công đoàn trường lên kế hoạch thu chi, xếp thang, bậc lương cho từng cô giáo theo tiêu chuẩn năm công tác, trình độ, thành tích giảng dạy. Cô Hạnh còn cùng với đại diện phụ huynh học sinh sắp xếp, thống nhất dành 15% kinh phí từ nguồn thu học phí của các cháu để làm quỹ khen thưởng từng tháng cho các cháu đến trường đều đặn, chăm ngoan, khỏe mạnh và các cô giáo trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy các cháu, tạo nên không khí thi đua dạy và học hiệu quả ở trường. Với cách làm ấy, năm 2000 trường chỉ có gần 50% số giáo viên có trình độ đạt chuẩn, có 50% số cháu đến lớp thường xuyên, thì hiện nay con số ấy đã là 100% giáo viên có trình độ vượt chuẩn, số cháu ra lớp đạt 89-95% và 96% số cháu ở trường tăng cân đều hằng tháng, sức khỏe loại A. Hết lòng với sự nghiệp trồng người, cô giáo Trần Thị Hạnh đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, UBND tỉnh Hà Tây. Từ năm 2001 đến nay, cô liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. |