Đầu năm học 2005-2006, nhiều phụ huynh đã khấp khởi mừng thầm khi Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu tất cả các trường mầm non có từ 12 lớp trở lên phải nhận HS dưới 18 tháng tuổi. Thông báo của sở cũng nêu rõ: nếu các trường chưa chuẩn bị kịp từ đầu năm thì đến cuối học kỳ 1 phải thực hiện. Thế nhưng đã cuối học kỳ 2 của năm học mà nhiều trường vẫn nhăn nhó: chưa thể mở lớp, nhóm nhỏ. Và con đường đưa trẻ đến trường của các phụ huynh nghèo vẫn tiếp tục gập ghềnh... Khó trăm bề Tính đến thời điểm này, TP.HCM chỉ có một số ít trường mầm non mở đủ các lớp, nhóm: nhóm bột, nhóm cháo xay, nhóm cháo hột... Đây là những trường đã nhận HS lứa tuổi nhà trẻ từ nhiều năm. Còn lại đa số các trường không mở lớp hoặc chỉ mở lớp ghép (tức nhận vài HS dưới 18 tháng rồi cho học ghép với HS lớp trên). Bà Huỳnh Thị Kim Liên - hiệu trưởng Trường Mầm non bán công 9, Q.5 - cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của sở, chúng tôi cố gắng thu nhận khoảng bốn HS từ 12-14 tháng, số lượng quá ít nên ưu tiên cho cán bộ CNV trong quận thôi. Mở một lớp riêng bây giờ rất khó. Ngoài vấn đề phòng ốc còn phải có kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi dành riêng cho trẻ nhỏ nữa”. Theo tính toán của nhiều hiệu trưởng, số tiền dùng để trang bị vật dụng cho lớp dưới 18 tháng lên đến hàng chục triệu đồng vì HS quá nhỏ, mọi vật dụng đều phải tỉ mỉ và đúng chuẩn. Nếu không, rất dễ gây nguy hiểm đến tính mạng HS. Các loại giường nôi, ghế bô, ghế ợ sữa, ghế ngồi ăn cháo, khung chắn... không thể thiếu. Rồi nền nhà bắt buộc phải trải simili, phòng học bắt buộc phải có toilet riêng, ngay cả đồ chơi cũng phải chọn loại có vật liệu, hình thù đảm bảo an toàn cho trẻ... Trong khi đó, Trường MN BC 20-10, Q.1 khẳng định: không thể mở lớp dưới 18 tháng. Bà hiệu trưởng Trần Thị Ngọc Lan giãi bày: “Phòng học nhà trường có thể thu xếp được nhưng trường đang thiếu giáo viên, đâu thể khắc phục ngay. Đối với HS nhóm nhỏ phải có đủ giáo viên vì các bé cần ẵm bồng, chăm sóc thường xuyên. Chỉ cần một biểu hiện nhỏ mà giáo viên không kịp thời phát hiện sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”. Chờ và chờ! Theo bà Lê Thị Hồng Liên - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, lâu nay các trường mầm non thường ngại nhận HS lứa tuổi nhỏ bởi chăm sóc vất vả, dễ bị tai nạn, lại không “kinh tế”. Quả vậy, chuyện học phí nhóm nhà trẻ đã khiến ban giám hiệu các trường đau đầu, nhất là các trường hoạt động theo cơ chế tự thu tự chi. Trong khi hai giáo viên có thể quản được một lớp 35-40 HS mẫu giáo (thậm chí 45-50 HS) thì ở lớp dưới 18 tháng chỉ có thể trông 6-10 HS. Thử làm một phép tính đơn giản: học phí mỗi tháng của HS mẫu giáo trường bán công: 200.000 đồng/HS, còn HS nhà trẻ: 250.000 đồng/HS sẽ thấy ngay sự khó khăn của các trường khi tính toán trả lương cho giáo viên. Chưa kể đa số giáo viên vẫn “sợ” nhận lớp nhà trẻ do phải lao động thể lực nhiều, trách nhiệm cao, thu nhập lại thấp. Nhiều hiệu trưởng trường mầm non cùng có chung nhận xét: “Giáo viên lớp nhà trẻ rất cực khâu chăm sóc, suốt ngày bận rộn với việc cho bé ăn, dỗ bé ngủ, cho bé đi vệ sinh... Trẻ nhỏ không nói được, thể trạng, cảm xúc... lại ít thể hiện, đòi hỏi người trông trẻ phải nhiệt tâm và giàu kinh nghiệm. Nhiều trường hợp đau, bệnh nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong”. Khó khăn đối với các trường là thế nhưng về phía phụ huynh còn gian nan hơn. Ở TP.HCM - TP thu hút rất đông dân nhập cư - nhiều gia đình chỉ có hai vợ chồng trẻ, đứa con biết gửi đi đâu khi người mẹ phải đi làm sau thời gian bé bốn tháng tuổi? Đến trường mầm non công lập: bị từ chối, phụ huynh phải tìm đến các trường dân lập, tư thục nhưng làm sao có thể kham nổi mức học phí 700.000-1,5 triệu đồng/tháng/HS (4-12 tháng tuổi)? Giải pháp duy nhất các phụ huynh nghèo phải chọn : gửi con ở nhóm trẻ gia đình. Khi nhu cầu đã trở nên cấp thiết, trong bối cảnh - điều kiện vừa kể trên thì việc “bùng nổ” các nhóm trẻ gia đình không phép (chất lượng nuôi dạy thấp) trong thời gian qua cũng dễ hiểu. Làm sao giải quyết nhu cầu này cho phụ huynh nghèo? Bà Lê Thị Hồng Liên cho biết: “Sở GD-ĐT đang đề xuất với HĐND, UBND TP về việc tăng học phí lớp nhà trẻ và chế độ trợ cấp xứng đáng với công sức của giáo viên. Với mức thu phù hợp, giáo viên được ưu đãi chắc chắn các trường sẽ thực hiện tốt công tác thu nhận và nuôi dạy HS dưới 18 tháng”. Tuổi Trẻ |