Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thai phụ và bệnh đái tháo đường.


Một khảo sát gần đây trên phạm vi một quận vùng ven của TP Hồ Chí Minh, cứ 100 thai phụ thì có gần bốn người bị bệnh đái tháo đường. Đây là một căn bệnh ở người mẹ rất nguy hiểm cho thai nhi, lại khó phát hiện và các bà mẹ cũng chưa thật sự quan tâm.    

Những nguy cơ  

Đái tháo đường thai kỳ có hai dạng: đái tháo đường gây nên do thai kỳ (chiếm 90%) và đái tháo đường trước lúc mang thai.  

Thai phụ đái tháo đường dễ tử vong gấp 10 lần bình thường do những biến chứng cao huyết áp, bể thận... Các bệnh lý khác cũng tăng: xuất huyết võng mạc dẫn đến mù sau khi sinh, tiền sản giật, đặc biệt là nhiễm trùng hậu sản. Đái tháo đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sẩy thai, nhất là 9 tuần đầu tiên, nếu thai phụ không khống chế đường huyết tốt. Khi thai qua ba tháng đầu, rất dễ sinh non, nguy cơ này gấp đôi thai phụ bình thường, tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh như teo chi dưới, não úng thủy, thai vô sọ, dị tật tim... đặc biệt với người có bệnh đái tháo đường trước thai kỳ.    

Mục tiêu ổn định đường huyết cho các thai phụ là:    

Đường huyết trước bữa ăn: 3.6-4.7 mmol/L (65-85 mg/dL)  

Đường huyết sau ăn 1 giờ: dưới 7.8 mmol/L (dưới 140 mg/dL)  

Đường huyết sau ăn 2 giờ: dưới 6.7 mmol/L (dưới 120 mg/dL)    

Một nguy cơ nữa đối với thai nhi, đó là thai chết lưu trong bụng mẹ. Em bé chết không lý do ở những tuần cuối sắp sinh (35-38 tuần), khi người mẹ không kiểm soát tốt đường huyết. Bác sĩ Trần Sơn Thạch, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, ở Việt Nam nhiều trường hợp thai chết lưu do mẹ bị đái tháo đường mà không được phát hiện và điều trị.    

Em bé khi sinh ra thường rất to, có thể lên tới 4-5 kg, nhưng lại rất yếu, dễ bị chấn thương lúc sinh. Phần lớn các em này sẽ bị rối loạn đường huyết, suy hô hấp, dễ bị đái tháo đường, phát triển tâm thần vận động chậm.    

Xử lý bệnh như thế nào?    

Để thai nhi phát triển bình thường, thai phụ cần ổn định đường huyết. Việc này thông qua chế độ ăn, dùng thuốc và việc tập luyện.    

- Mỗi thai phụ nên có một máy đo đường huyết để tiện theo dõi bệnh. Thử ít nhất 6 lần trong ngày vào trước mỗi bữa ăn, 1-2 giờ sau khi ăn để đạt đường huyết gần mức bình thường nhất nhằm giúp thai nhi phát triển tốt.    

- Chế độ ăn uống cực kỳ quan trọng: phải cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và con, nhưng không quá thừa để dẫn đến tăng đường huyết. Những bữa ăn của thai phụ nên chia nhỏ ra làm 6 bữa trong một ngày và ăn đúng giờ. Năng lượng cung cấp khoảng 30-35 kcal/kg cân nặng. Nên ăn thức ăn giàu năng lượng, rau xanh, trái cây ít đường. Không nên ăn quá no và cũng không nên để quá đói mới ăn.    

Khi không khống chế được đường huyết bằng việc ăn uống, các thai phụ cần tiêm insulin theo hướng dẫn của bác sĩ.    

Vận động đặc biệt tốt với thai phụ bị đái tháo đường, cho cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, kháng lại nhiều bệnh tật khác. Nên lựa chọn những bài tập thể dục đơn giản và đi bộ. Mỗi ngày tập tối thiểu 30 phút. Tuy nhiên, không nên tập quá sức. Những tháng cuối thai kỳ, thai phụ nên theo dõi chặt chẽ thai nhi. Thường xuyên đếm tim thai, khoảng 3 lần/ngày. Nếu thai cựa >10 lần/giờ là bình thường. Nếu thai nhi có biểu hiện quẫy đạp không bình thường, hãy đến ngay phòng khám đề phòng thai bị chết trong bụng mẹ.    

Sau khi sinh, thai phụ cần theo dõi đường huyết và đề phòng nguy cơ nhiễm trùng. Một tổng kết cho thấy >50% bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ sẽ mắc bệnh đái tháo đường sau 20 năm và 70% sẽ tái phát ở lần sinh sau đó. Do vậy, thai phụ cần có một chế độ sinh hoạt thật điều độ sau khi sinh nở.    

Thực đơn 2.000-2.200 kcal dành cho thai phụ mắc bệnh đái tháo đường

Giờ ăn  Thực đơn số 1  Thực đơn số 2
6-7 giờ Xôi bắp muối mè: một chén nhỏ
Chuối sứ: 1 trái
 
Phở bò nạm nước trong: 1 tô vừa (bánh phở 1 chén, 30g thịt bò, 100g rau sống, rau thơm)
Ổi: 1 trái nhỏ 
 
9 giờ
Bánh canxi lạt: 2 cái (20g)
Sữa tươi không đường: 1/2 ly (100 ml)
Sữa tươi không đường: 1 ly (200 ml)
11 giờ 30 Cơm 1,5 chén
Cà chua nhồi thịt (cà chua 2 trái, thịt nạc 50g, dầu 5g, gia vị)
Dưa giá: 100g
Canh huyết heo nấu hẹ (hẹ bông 50g, huyết heo 1 miếng 50g, 1/4 miếng tàu hũ)
Cam: 1 trái
Cơm 1,5 chén
Mực xào su su, cà rốt (mực tươi 100g, rau 100g, dầu 10g)
Canh bông thiên lý nấu giò sống (thiên lý 60g, giò 20g)
Mận: 4 trái 
14 giờ Bắp ngô luộc: 1 trái lớn
 
Chuối nướng 1 trái
18 giờ Mì vịt tiềm (mì luộc 2 chén, thịt vịt nạc 100g, dầu 5g, nấm rơm 50g, măng 50g, cà rốt hành tây 50g).
Rau sống: 100g
Táo ta: 5 trái
 
Cơm 1,5 chén
Trứng kho thịt (hột vịt 1/2 cái, thịt kho 1 miếng lớn)
Đậu que luộc 200g
Quýt: 1 trái (50g)
21 giờ Bánh giò: 1 cái Bánh bông lan: 1 miếng nhỏ (50g)
  

(Theo Nhân dân)