Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tiêu chảy mùa hè - Bệnh không thể coi thường


Mùa nắng nóng, thức ăn dễ bị hư hỏng là môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn phát triển gây bệnh đường ruột, thường gặp nhất là tiêu chảy cấp ở trẻ em. Đây là căn bệnh gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

Bệnh tiêu chảy có tốc độ lây lan rất nhanh chóng. Nó có thể gây nên những vụ đại dịch với tỷ lệ mắc bệnh cao và tử vong ở mọi lứa tuổi nếu không có những biện pháp dập dịch kịp thời. Đường lây truyền “kinh điển” nhất là đường tiêu hoá. Do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus, vi khuẩn.

Nguyên nhân gây bệnh

Theo Bác sĩ Trương Ngọc Dương, Khoa Nhi viện Quân y 103, nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ do ăn uống không sạch sẽ, do thay đổi khẩu phần ăn, ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, thức ăn lạ khiến trẻ không tiêu hoá được. Những trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ đang ở trong tình trạng bị suy giảm miễn dịch tạm thời (sau khi bị sởi, bị AIDS...) cũng có nguy cơ mắc tiêu chảy cao.

Cũng theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó GĐ viện Nhi T.Ư cho biết, tập quán ăn uống, chăm sóc của người lớn cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em. Nhất là cho trẻ bú bình không được rửa sạch hoặc cho uống lại sữa đã uống trước đó vài tiếng…

Cho bé ăn dặm sớm khi chưa qua 4 tháng tuổi khiến không tiêu hoá được dẫn đến bị tiêu chảy. Nhiều trường hợp trẻ còn bị tiêu chảy do dùng kháng sinh không hợp lý.

Biểu hiện của bệnh

Theo BS Lộc, biểu hiện đầu tiên là người bệnh đau bụng, đi ngoài liên tục, phân nhiều nước, mất nước, có thể bị sốt nhẹ, li bì hoặc hôn mê. Bệnh sẽ diễn biến nặng hơn với các biểu hiện cơ thể suy kiệt, mắt trũng, nôn mửa... Có trường hợp bị mất nước và chất điện giải, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?

Để phòng bệnh cho trẻ, phải thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn. Không cho trẻ ăn quà vặt, hàng rong, không ăn rau sống, thức ăn ôi thiu, không uống nước lã. Sử dụng lồng bàn đậy đồ ăn và diệt ruồi nhặng.

Nguyên nhân tử vong ở trẻ tiêu chảy cấp chủ yếu do mất nước và điện giải. Bé càng đi ngoài nhiều thì lượng nước sinh lý trong cơ thể mất đi càng nhiều, vì thế, cần phải bù ngay lượng nước đã mất bằng cách cho trẻ uống nước Oresol.

Lưu ý, phải pha Oresol theo đúng qui định, uống đúng liều lượng hướng dẫn, tránh tình trạng gây rối loạn nước và điện giải khiến bệnh càng nặng hơn.

Không nên tự cho trẻ uống thuốc cầm ỉa hoặc ăn các lá và quả chát như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh... Có thể sau khi uống, trẻ sẽ cầm ỉa ngay nhưng thực ra, điều này rất nguy hiểm vì nó làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn do các virus, vi khuẩn được thải hồi chậm.

Không tự ý cho trẻ dùng thuốc vì nguyên nhân tiêu chảy chủ yếu do virus, hoặc do hoá chất nhiễm khuẩn, bệnh thường khỏi sau vài ngày điều trị, chủ yếu bù nước và điện giải mà không cần phải sử dụng thuốc. Một số trường hợp phải sử dụng kháng sinh nhưng phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa.

Bác sĩ Dương cho biết, các bà mẹ thường quan niệm, trẻ bị tiêu chảy phải kiêng ăn thịt, cá, chất tanh, đường, sữa... thậm chí chỉ cho trẻ  ăn cháo muối trắng là một quan niệm sai lầm. Vì như vây, trẻ bị mất nước lại không đủ chất dinh dưỡng khiến cơ thể càng kiệt quệ hơn, không đủ sức chống đỡ lại bệnh tật. Tốt nhất là cho trẻ ăn uống bình thường, ăn những thức ăn dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ và vệ sinh thân thể sạch sẽ.

Dân trí