Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tại sao lại là kỳ luật tích cực? Kỷ Luật Tích Cực là gì?


Kỷ Luật Tích Cực có hiệu quả với trẻ mầm non bởi vì nó khác xa so với kỷ luật truyền thống thông thường.

Kỷ Luật Tích Cực không liên quan tới trừng phạt (điều mà nhiều người thường nghĩ rằng song hành theo kỷ luật), nội dung chính của Kỷ Luật Tích Cực tập trung vào việc dạy các kỹ năng xã hội và kỹ năng sống cho trẻ mầm non. Kỷ luật với trẻ nhỏ bao gồm những phần nội dung mà phụ huynh quyết định đặt thành mục tiêu giáo dục con, sau đó kiên định tuân theo (hơn là việc nhồi nhét tư tưởng "biết điều" vào đầu óc trẻ). Khi con bạn trưởng thành và trau dồi được nhiều kỹ năng, bạn sẽ có thể thu hút, lôi cuốn bé vào quá trình tìm kiếm các giải pháp trong phạm vi giới hạn đặt ra. Theo cách này, bé sẽ rèn luyện kỹ năng tư duy, cách để nói không, cách cảm nhận sự cần thiết của nỗ lực, kiên quyết theo đuổi những giải pháp và phạm vi giới hành vi bé đã từng được dạy dỗ. Những nguyên tắc của Kỷ Luật Tích Cực sẽ giúp phụ huynh xây dựng mối quan hệ lâu dài về tình yêu thương, sự tôn trọng, giúp bố mẹ và con cùng giải quyết các tình huống.

 


Các nguyên tắc về Kỷ Luật Tích Cực bao gồm:

Tôn trọng lẫn nhau: Cha mẹ nêu gương một cách kiên định về tôn trọng bản thân, tôn trọng những nhu cầu tùy theo tình huống cụ thể, nêu gương về lòng tốt qua việc tôn trọng nhu cầu và sự nhân văn - vốn là bản tính của trẻ.

Hiểu niềm tin đằng sau hành vi: Mọi hành vi của con người đều mang tính mục đích. Bạn sẽ tăng hiệu quả thay đổi hành vi ứng xử của con khi bạn hiểu động cơ của hành vi đó. (Trẻ em bắt đầu hình thành niềm tin, và điều này hình thành nhân cách của trẻ, từ ngày bé được sinh ra). Hiểu về niềm tin cũng quan trọng như hiểu về hành vi (nếu không nói là thậm chí còn quan trọng hơn).

Giao tiếp hiệu quả: Bố mẹ và trẻ em (từ mầm non tới vị thành niên) có thể học để lắng nghe, sử dụng ngôn từ tích cực để yêu cầu những gì mình cần. Bố mẹ sẽ học được rằng trẻ em "nghe" tốt hơn khi chúng được "mời" để cân nhắc và thực hành, thay vì bị người khác chỉ dẫn phải suy nghĩ và làm gì. Ngoài ra, các bậc cha mẹ sẽ học làm thế nào để làm mẫu cho con cái cách lắng nghe.

Tìm hiểu về thế giới của con: Trẻ em trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau. Bằng cách tìm hiểu về các đặc điểm phát triển của lứa tuổi con bạn đang đối mặt, cân nhắc kỹ tới các vấn đề khác: thứ tự sinh, tính khí, và sự hiện diện (hoặc không) các kỹ năng xã hội -cảm xúc... khi đó, hành vi của con bạn trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều. Nếu cha mẹ hiểu thế giới của con, cha mẹ có nhiều khả năng chọn lựa cách phản ứng phù hợp hơn cho hành vi của trẻ.

Kỷ luật dạy trẻ những giá trị sống tích cực: Kỷ luật hiệu quả dạy trẻ các kỹ năng xã hội và kỹ năng sống quý giá mà không cần trừng phạt khắt khe cũng như quá dễ dãi trong phương pháp giáo dục.

Tập trung vào các giải pháp thay vì trừng phạt: Đổ lỗi không bao giờ giải quyết vấn đề. Trước hết, bạn sẽ quyết định làm thế nào tiếp cận các thử thách và các tình huống. Nhưng khi con bạn lớn lên và trưởng thành, cả bố mẹ và con sẽ học cách ngồi lại cùng nhau tìm giải pháp cho nhiều vấn đề: từ loại đồ ăn phù hợp cho tới việc chuẩn bị đi ngủ.

Khích lệ, động viên: Động viên giúp đề cao nỗ lực của con và cải thiện tốt hơn hành vi của bé. Nguyên tắc này không chỉ vì những thành công lâu dài, mà còn vì sự tự tin vào năng lực bản thân trẻ.

Trẻ làm tốt khi chúng cảm thấy tốt: Ở đâu cha mẹ có ý tưởng điên rồ rằng: "Để làm cho con có cách cư xử đúng đắn thì nên khiến chúng cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, hoặc thậm chí đau đớn (cả thể chất và tinh thần)"? Trẻ em có nhiều động lực để hợp tác, học các kỹ năng mới, chia sẻ cảm xúc... đặc biệt khi trẻ cảm thấy được khuyến khích, kết nối, và yêu thương.


Ngọc Mai mamnon.com