Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

PHẦN II: Kỷ luật tích cực và trẻ mẫu giáo: Con đã lớn thế rồi sao?


Nguồn: Positive Discipline For Preschoolers
Tác giả: Jane Nelsen, ed.d., Cheryl Erwin, M.A, và Roslyn Ann Duffy

Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo thường đáng yêu và thu hút sự chú ý. Bé có thể chia sẻ nhiều ý tưởng, thể hiện sự ham hiểu biết, luyện tập khả năng hài hước, tự mình thiết lập các mối quan hệ, mở rộng vòng tay với những thứ mới lạ quanh mình. Trẻ cũng có thể ương bướng, thách thức, khó hiểu, và khó chấp nhận sự thua cuộc.

 


Hầu hết cha mẹ lo lắng về thế giới con cái sẽ bước vào; họ băn khoăn làm thế nào để nuôi dạy con cái mình một cách tốt nhất, từ đó chúng sẽ có cuộc sống thành công, hạnh phúc. Và họ quan sát những hành vi đôi khi không phải lúc nào cũng tốt của những đứa trẻ giống với con mình; tự hỏi điều gì đang nằm ở phía trước - và làm gì để đối phó với những điều đó?

Phần 2: Kỷ luật tích cực và trẻ mẫu giáo
Con đã lớn thế rồi sao?

1. Carlota đã quan sát quá trình con trai của cô - bé Manuel 3 tuổi - băng qua sân chơi - bé không còn đi chập chững nữa. Cô cảm thấy thật ngạc nhiên khi Manuel leo tới chỗ cao nhất của cầu trượt với kỹ năng vững vàng của đôi chân. "Con mình đã lớn tới đâu rồi thế này?" cô tự hỏi thành tiếng, với một nụ cười vui mừng lẫn lộn. "Cậu bé này là ai đây?"

2. Dana cúi xuống để nắm tay con gái một cách vô thức khi đèn sang đường chuyển sang màu xanh. Marta, cô bé 5 tuổi ngước lên nhìn mẹ và nhăn mặt. Marta đã sẵn sàng để đi bên cạnh mẹ, nhưng với điều kiện mẹ không dắt tay bé nữa: "Điều đó chỉ dành cho trẻ con". Dana cảm thấy mình hơi ngốc ngếch. Cô nhận ra Marta đã lớn, đủ cẩn thận và có khả năng băng qua đường mà không cần nắm tay mình, nhưng ngay lúc đó bàn tay Dana cảm thấy thật thừa thãi.

Ở một nơi nào đó, bằng cách nào đó, trong suốt thời gian 3-6 tuổi, đứa con bé bỏng của bạn, người thường đem lại cho bạn những niềm vui bất ngờ, được bạn nựng nịu âu yếm... thì nay lớn lên một cách nhanh chóng, bé có đầy những kế hoạch và ý tưởng của riêng mình. Với nhiều bậc cha mẹ, điều này diễn ra từ từ, khó mà nhận biết; nhưng tới một thời điểm nào đó, bạn sẽ thấy ngạc nhiên vô cùng khi phát hiện ra con mình đã làm được những điều hoàn toàn mới lạ. Đứa con ngày nào chập chững bước từng bước loạng choạng, thì nay đã trở thành một cầu thủ tí hon chạy nhảy không ngừng, thậm chí nhanh hơn cả bạn mà không hề vấp ngã.

Khi nào hình ảnh một đứa trẻ nghịch ngợm khó bảo biến mất, thay vào đó là hình ảnh một vị công dân trẻ có tinh thần trách nhiệm, năng lực và cẩn thận đứng bên cạnh bạn? Khi nào bạn có thể ngừng việc kiểm tra xem con có ăn sáng đầy đủ trước khi tới trường, mặc áo ấm áp khi trời đang gió lạnh?
Tuy nhiên, lưu ý rằng đừng để mình biến thành một ông bố bà mẹ luôn gọi điện cho con, đưa ra những hướng dẫn hay cảnh báo ngay cả khi những đứa con bé bỏng của bạn đã trở thành các ông bố bà mẹ nhé!

Ngọc Mai mamnon.com