Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hiểu biết về sự phát triển phù hợp: “Hãy nói cho con sự thật” trẻ nhỏ và nói dối


Câu hỏi: Tôi phải xử lý thế nào khi đứa con 4 tuổi của tôi nói dối đây? Bé thậm chí nói dối cả những điều nhỏ nhặt. Tôi không thể để bé đi xa hơn trong hành vi như vậy. Hãy cho tôi vài lời khuyên, tôi phải giải quyết thế nào với tình huống tế nhị này?

Trả lời: Trẻ nhỏ có thể nói dối bởi rất nhiều lý do khác nhau. Thỉnh thoảng chúng lẫn lộn giữa đâu là thực tế và đâu là không. Trẻ có thể nói dối vì trẻ lo lắng chúng ta không tán thành, và không muốn thừa nhận đã làm điều gì đó mà lẽ ra không nên làm. Đôi khi trẻ muốn tránh đi những hậu quả từ hành động của trẻ (người lớn có thể cũng nói dối vì những lý do tương tự).

Câu hỏi của bạn về việc để trẻ "đi xa hơn trong hành vi nói dối" đưa ra một manh mối về thái độ của bạn. Bốn tuổi, trẻ đã có thể hiểu được rằng cách cư xử của nó đem lại hậu quả gì, nhưng chúng lại chưa có được sự chín chắn và khả năng phán đoán. Chúng vẫn cần được dạy dỗ nhiều hơn là các hình thức kỷ luật. Nếu như con của bạn không tin rằng những lựa chọn và hành vi sai trái sẽ mang lại hậu quả xấu, sẽ phải chịu hình phạt và trách mắng thì con của bạn sẽ không muốn nói thật với bạn.

Trẻ con không phải sinh ra đã hiểu được sự khác nhau giữa thành thật và nói dối, và chúng cũng không tự dưng hiểu được giá trị của sự trung thực. Cha mẹ nên lập kế hoach để dạy trẻ hiểu sự trung thực và nói thật có tầm quan trọng như thế nào, nhưng cũng đừng hi vọng trẻ hiểu ngay được cho đến khi trẻ trưởng thành hơn. Sự thật là trẻ có thể hiểu được giá trị của sự trung thực khi trẻ nhìn thấy những người lớn xung quanh cư xử như vậy. (Nói cách khác, trẻ nhỏ sẽ không học được sự trung thực nếu giả dụ, trẻ nghe thấy bạn gọi điện xin nghỉ ốm vì bạn muốn đi trượt tuyết.)

Hầu hết trẻ em (và cả người lớn) đều nói dối hết lần này đến lần khác. Hãy nhớ rằng việc mắc lỗi là không thể tránh khỏi - đặc biệt là khi 4 tuổi - và nếu các lỗi lầm được xem như là cơ hội để học hỏi hơn là tội lỗi, hay thất bại thì lỗi lầm không đáng sợ. Nếu bạn muốn con của bạn thành thật, bạn phải sẵn lòng lắng nghe con, cố kiềm chế việc làm con xấu hổ hay trừng phạt con, phải cùng chơi với con để phát triển các kỹ năng của con và hiểu được những vấn đề nào đang xuất hiện. Khi trẻ không nói thật và bị đánh đòn, bị làm cho xấu hổ thì trẻ sẽ học được những bài học mà ta không hề mong muốn. Trừng phạt thường chỉ làm cho trẻ cảm thấy sợ hãi và cố gắng chối bỏ trách nhiệm về những hành động mình làm.

Hãy nghe kinh nghiệm của một người cha khi cậu con trai nói dối:

Colin không mất bình tĩnh khi nhìn thấy một quả trứng vỡ trên sàn nhà bếp. Anh nói với giọng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn: "Này, ai đã làm vỡ trứng?" Cậu con trai Sam 4 tuổi trả lời một cách bình tĩnh: "Một con cá sấu đã làm."

Colin biết chẳng có con cá sấu nào ở trong nhà. Anh muốn tìm ra cách để giải quyết tình huống này là cả hai bố con sẽ dọn dẹp quả trứng vỡ, và anh muốn dạy cho con biết tầm quan trọng của sự trung thực. Anh đã nhắc lại "Một con cá sấu á!, nó màu vàng hả con? Bố nghĩ rằng bố chỉ nhìn thấy nó ở trong sở thú thôi." Sam đã cười toét miệng và đồng ý rằng đó là một con cá sấu màu vàng.

Colin cũng cười và sau đó nói: "Con biết đấy, bố chỉ giả vờ là có một con cá sấu. Con cũng biết rằng chúng ta chẳng có con cá sấu nào ở quanh đây cả." Sau đó anh đề nghị rằng cả hai sẽ cùng nhau dọn dẹp quả trứng vỡ, và biết rằng sẽ có những cơ hội để nói chuyện khi cùng nhau làm việc.

"Sam, con đã sợ bố sẽ mắng con về quả trứng vỡ sao?" Sam cụp mắt xuống và chậm rãi gật đầu. Colin nói với giọng ấm áp và nhẹ nhàng: "Bố biết là con muốn đổ lỗi lên con cá sấu, hay là muốn tạo nên một điều gì đó mà nó đã không thật sự xảy ra. Nhưng một điều thật sự quan trọng mà con cần biết là: con có thể nói thật, thậm chí khi con cảm thấy sợ. Con có biết tại sao nói thật lại quan trong không?" Sam lắc đầu. Colin xoa đầu và làm rối tung mái tóc của cậu con trai. "Bố muốn con có thể nói thật những điều mà con nói với bố, con yêu. Bố yêu con rất nhiều, và bố muốn biết khi con nói cho bố nghe điều gì đó thì điều đó phải thực sự đã xảy ra."

Sam nhìn lên và nói một cách chậm rãi, "Con cũng yêu bố, bố à, chỉ là con đang giả vờ."

Colin nói: "Ừ, bố biết là chúng ta đang giả vờ. Và có lúc thật hài hước khi giả vờ. Điều quan trọng là chúng ta có thể nói thật. Chúng ta giả vờ khi muốn dựng lên một câu chuyện. Nhưng sẽ là nói dối khi chúng ta sử dụng một câu chuyện để tránh việc thừa nhận chúng ta đã mắc lỗi."

Sam có lẽ sẽ phải học bài học này nhiều hơn một lần. Hầu như không có người lớn nào có thể tuyên bố rằng bất cứ lúc nào mình cũng hoàn toàn thành thật. Sam có thể vẫn phạm lỗi trước khi lĩnh hội được khái niệm mới này.

Colin có lẽ đã đơn giản hỏi Sam liệu cậu bé có sợ không. Hoặc là anh ta có lẽ đã hỏi một câu hỏi theo cách ít đe doạ hơn, "Sam, quả trứng vỡ này thật bừa bộn, chúng ta có thê giải quyết vấn đề này thế nào?", "Con có thể tự mình dọn sạch nó không?" hay "Con muốn bố giúp con không?"

Làm mất đi cảm giác sợ hãi và truyền thông điệp yêu thương cho con, hay thậm chí tham gia vào những công việc mà bạn cảm thấy có chút gì vô nghĩa cùng với chúng, sẽ giúp cho con bạn học được cách nói thật.

Mamnon.com