Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đoán bệnh qua da của trẻ mới sinh


Trẻ mới sinh đủ tháng thì da phải hồng hào, mềm mại, căng nhẵn. Da không bình thường là: đổi màu, nhợt nhạt, tím tái ở quanh môi, ở môi và móng chân, móng tay, da có màu vàng rõ.

Tuy nhiên trẻ sơ sinh hay có hiện tượng vàng da. Cần biết theo dõi và phân biệt vàng da sinh lý hay vàng da bệnh lý.

Vàng da sinh lý thường xuất hiện từ ngày thứ 3 sau khi sinh: da trẻ hơi vàng, vàng tăng hơn cho tới ngày thứ 5, thứ 7 rồi nhạt dần và trở lại hồng hào. Bắt đầu vàng da ở mặt rồi tới người và chân tay, khi vàng da mất đi cũng rút từ chân tay, tới người rồi đến mặt. Vàng da không quá đậm, có thể hơi vàng mắt, nhưng không kéo dài tới 15-20 ngày. Khi vàng da trẻ không sốt, vẫn ăn ngủ bình thường, phân vẫn vàng, nước tiểu hơi vàng trong và trẻ vẫn lên cân.

Nếu thấy trẻ bị vàng da ngay từ ngày thứ nhất, thứ 2 hoặc thứ 3, nhưng màu vàng tăng rất nhanh, vàng sẫm, hoặc trẻ sốt, biếng ăn, hay phân, nước tiểu đổi màu (phân trắng, nước tiểu vàng sẫm) thì đó chính là bệnh vàng da nhân, cần đưa trẻ đi khám nếu để muộn sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Biểu hiện lâm sàng của vàng da nhân là trẻ sốt cao, co giật do nhiễm độc thần kinh, nôn, da vàng đậm... Nếu được điều trị tích cực có thể không nguy hiểm tính mạng nhưng tỷ lệ để lại di chứng thần kinh rất cao.

Theo Sức khỏe & đời sống