Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài 1: Lập lờ tên gọi “trường quốc tế”


Bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng để cho con được học trong những trường "đẳng cấp" quốc tế nhưng những trường đó có thật sự đúng nghĩa là trường quốc tế hay không thì không phải phụ huynh nào cũng nắm được.

Giờ học của một trường quốc tế

Hội nhập quốc tế từ... mẫu giáo
Có lẽ chưa bao giờ, các trường quốc tế (TQT) lại nở rộ nhiều như hiện nay, từ bậc mẫu giáo đến đại học. Với những lời quảng cáo và hình ảnh giới thiệu đầy hoa mỹ, đã thu hút không ít phụ huynh sẵn sàng chi tiền tỉ để con được học trong một môi trường "quốc tế", trở thành những công dân toàn cầu, nói tiếng nước ngoài như tiếng mẹ đẻ. Chưa cần biết mức độ "quốc tế" đến đâu, nhưng chỉ riêng nhìn học phí tại các trường này cũng đã thấy "quốc tế" lắm rồi. Bậc mẫu giáo được coi là bậc có mức học phí "nhẹ" nhất thì cũng dao động từ 200 - 500USD/tháng. Chị Hoàng Anh có con đang học tại Babybear Kindergaten cho biết, học phí mỗi tháng là 200USD, trường yêu cầu đóng 3 tháng một lần, chưa kể đến những lần ngoại khóa như đi tham quan bảo tàng, xem phim..., mỗi lần đều phải đóng thêm 10-20USD. Nhưng bù lại, cậu bé 3 tuổi nhà chị đã có thể bập bẹ vài câu tiếng Anh đơn giản.

Chị Kim Ngọc (quận Ba Đình) xác định ngay từ đầu, cho con vào học TQT chỉ với mục đích, con sẽ được học với người nước ngoài, giao tiếp trong môi trường ngoại ngữ để phục vụ cho tương lai đi du học sau này. Số tiền chị bỏ ra cho con đi học TQT tính sơ sơ khoảng 6.000USD/năm, sau 12 năm học, chi phí chị bỏ ra cho con lên đến tiền tỉ. Cũng giống như vậy, anh Thanh Tùng cũng chi mỗi năm gần 30.000USD cho 2 con đang học TQT, con lớn học trường Unis, con nhỏ học Yersin.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào bỏ ra tiền tỉ cũng thu lại được kết quả như mong muốn. Chị Thu Trang (quận Hoàn Kiếm) cho biết, sau hơn 1 năm cho con học tại một TQT tại khu vực Mỹ Đình, mặc dù điểm số của cháu trên lớp vẫn cao nhưng kiến thức hổng rất nhiều, chị phải thuê gia sư kèm cặp thêm. Không những thế, vốn tiếng Anh của cháu cũng rất yếu, chỉ dừng lại ở mức giao tiếp đơn giản, thi tốt nghiệp còn suýt trượt môn tiếng Anh. Chị muốn xin cho con chuyển sang trường công lập nhưng cũng rất khó khăn vì chương trình học của TQT không giống chương trình học của trường công nên không chuyển đổi được.

Quá nhiều loại trường "quốc tế"

TQT đang được mở ra với muôn hình vạn trạng. Trường có yếu tố nước ngoài, nhưng dạy theo chương trình trong nước, trường dạy song ngữ hoặc trường do người Việt đầu tư nhưng dạy theo chương trình nước ngoài, trường 100% vốn của nước ngoài dạy hoàn toàn chương trình Việt Nam, thậm chí có trường chỉ tăng cường tiếng Anh... Tuy nhiên, trường nào cũng đều gắn thêm cái mác "quốc tế" đã khiến không ít phụ huynh bị "loạn" thông tin, không phân biệt được.

Chị V.H, người đã từng dạy nhiều năm tại một TQT nổi tiếng cho biết, ở VN có 2 dạng TQT: Trường dạy 100% tiếng Anh và trường có yếu tố quốc tế. Trường 100% quốc tế thì chi phí khá cao (thường bậc mẩu giáo khoảng 6000-8000USD/năm học phí, mỗi lớp trên mẫu giáo cộng thêm khoảng 15-20% ) và thường chỉ nhận học sinh có quốc tịch nước ngoài. Trường có yếu tố nước ngoài thường chỉ tốt hơn trường Việt Nam ở yếu tố dịch vụ chứ chất lượng giảng dạy chưa chắc đã tốt hơn. Đội ngũ giáo viên trong nước cũng như nước ngoài tại các trường có yếu tố nước ngoài cũng chưa được kiểm định chặt chẽ nên chất lượng không đồng đều, rất nhiều nơi nhận "Tây balô" vào làm giáo viên để tiết kiệm chi phí. Tại các trường này, các hoạt động ngoại khóa được chú trọng nhiều hơn nên học sinh TQT bạo dạn hơn, tuy nhiên nếu so sánh với học sinh công lập thì học sinh TQT chỉ có thể tốt tiếng Anh hơn, còn các môn tiếng Việt đều đuối, đó là còn chưa kể đến việc các em rơi vào tình trạng tiếng Anh chưa tỏ mà tiếng Việt cũng không sõi.

Theo NLĐ