Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trò chơi dân gian: chơi mà học


Nhiều đồ chơi truyền thống và các trò chơi dân gian dường như đang ngày càng vắng bóng trong mỗi gia đình, mỗi lớp học. Hình thức giáo dục trẻ em tiếp cận với các giá trị văn hóa dân gian đang là một hướng đi hiệu quả.

Nghề làm đồ chơi truyền thống đang trên đà mai một cùng với sự phát triển cơ chế mở cửa của kinh tế thị trường. Sự xuất hiện của các loại đồ chơi hiện đại, du nhập từ nước ngoài thu hút sự chú ý của đông đảo các em thiếu nhi. Việc khôi phục lại các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống, các trò chơi dân gian đang được các cấp các ngành quan tâm.



Một buổi ngoại khóa, các em trường TH Tế Tiêu (Hà Nội) được xem múa rối, được chơi các trò chơi dân gian. Ảnh, gdtd.vn

Thầy giáo Đặng Thái Hưng- hiệu trưởng trường Tiểu học Tế Tiêu (Hà Nội) cho biết: trường đã hoàn thành được việc đưa các trò chơi dân gian trong nhà trường để cho học sinh được sinh hoạt một cách vui tươi, lành mạnh, đảm bảo tính truyền thống; góp phần đưa phong trào "trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong nhà trường đi vào chiều sâu chất lượng.

Điều mà các thầy cô trường tiểu học Tế Tiêu vẫn trăn trở là làm thế nào để giáo dục cụ thể để làm cho các em học sinh hiểu được các giá trị truyền thống bên cạnh giá trị hiện đại. Giữ gìn giá trị truyền thống chính là không được bỏ qua những cái mà cha ông ta biết bao nhiêu công, bao nhiêu trí tuệ bỏ ra để lưu truyền lại cho hậu thế.

Suốt 3 năm học vừa qua, nhà trường đã thực hiện thành công chương trình giáo dục lồng ghép, tạo ra hiệu quả tích cực. Để lôi cuốn học trò đến với các trò chơi dân gian, với những đồ chơi truyền thống, lãnh đạo nhà trường đã xác định các trò chơi dân gian phải được lồng ghép hết sức đa dạng trong hoạt động học tập, ngay cả trong giờ học, giờ chơi hàng ngày. Các trò chơi như: ô ăn quan, nhảy dây, kép co, ném bóng, rồng rồng rắn rắn, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê, thả diều...được các em tiếp nhận một cách hào hứng và thường xuyên.

Theo thầy Hưng: các trò chơi hàng ngày thường xuyên được cải thiện và thay đổi liên tục. Trường Tiểu học Tế Tiêu hiện nay có khoảng 60 trò chơi dân gian, được chia đều trong thời khóa biểu từ thứ 2 đến thứ 6. Như thế các em có thể chơi hết một vòng trò chơi, rồi lại quay lại các trò cũ . Điều này trường Tiểu học Tế Tiêu làm được 3 năm nay, có thể nói là rất hiệu quả.

PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Nga - Viện Dân tộc học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: cách bảo tồn di sản văn hóa tốt nhất chính là trả về cho chính chủ thể văn hóa đó. Việc đưa các đồ chơi truyền thống, trò chơi dân gian đến với trẻ em là cách làm đảm bảo tính bền vững và lâu dài trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa. Những trò chơi dân gian rất phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi ở vùng nông thôn.

Mặc dù sinh ra trên mảnh đất mà các trò chơi dân gian có từ đời ông cha để lại, đã được nhiều thế hệ trước biết đến nhưng đối với các em vẫn còn mới mẻ và đầy háo hức. Điều đó chứng tỏ rằng trò chơi dân gian vẫn được lứa tuổi nhi đồng, tuổi trẻ ở những vùng quê tiếp nhận. Nó vẫn là các trò chơi bổ ích trong việc giáo dục về nhân cách, trí tuệ, thẩm mĩ dân gian đối với lứa tuổi nhi đồng.

Theo Đề tài khoa học: "Bảo tồn và phát huy giá trị đồ chơi truyền thống của trẻ em" (Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ trẻ em Cenforchil): Việc khôi phục các trò chơi dân gian tại địa phương đã giáo dục cho thế hệ trẻ các trò chơi dân gian rất gần gũi, thân thiện với môi trường và an toàn vệ sinh. Chính điều đó sẽ góp phần mở rộng sự khôi phục làng nghề đồ chơi truyền thống bởi nó rất thiết thực và thân thiện với cuộc sống của bà con nơi đây.

Theo GD&TĐ