Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

5 quan niệm sai lầm về bệnh thủy đậu


Theo nhận xét của giới chuyên môn, từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm là mùa của thủy đậu, căn bệnh gây nhiều khó chịu và những biến chứng nguy hiểm ít ai ngờ tới. Mặc dù đây là bệnh “khá quen” đối với nhiều người, nhưng những hiểu biết sai về bệnh vẫn còn phổ biến

1. Thủy đậu là bệnh nhẹ. SAI

Bệnh thường diễn tiến nhẹ, nhưng đây không phải là bệnh lành tính mà có thể gây những biến chứng nguy hiểm từ nhiễm trùng nốt rạ, nhiễm trùng huyết đến những tác hại về thần kinh như viêm não, viêm màng não, viêm phổi dẫn đến tử vong. Biến chứng phổ biến nhất ở trẻ em là nhiễm trùng da và mô mềm để lại sẹo vĩnh viễn trên da.

2. Bệnh chỉ xảy ra cho trẻ em. SAI

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, từ 5 đến 11 tuổi, nhưng thanh thiếu niên và người lớn cũng có thể nhiễm bệnh nếu họ chưa từng mắc bệnh này hoặc chưa tiêm ngừa.

3. Mắc bệnh này thì cần kiêng gió, kiêng nước. SAI

Quan niệm này rất phổ biến trong dân gian, nhưng hoàn toàn sai. Do đặc trưng của bệnh là phát ban kiểu bóng nước ở da và niêm mạc, nên càng kiêng gió, kiêng nước thì càng dễ dẫn đến nhiễm trùng da. Trong một nghiên cứu ở Đài Loan, 44,1% bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng da và mô mềm.

4. Phụ nữ mang thai mà bị bệnh thủy đậu thì chẳng hề gì. SAI

Thai phụ mắc bệnh thủy đậu có nhiều nguy cơ dẫn đến hội chứng thủy đậu bẩm sinh với tỉ lệ chung là 1% ở phụ nữ nhiễm bệnh trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, trong đó 0,4% nguy cơ từ 0-12 tuần và 2% từ tuần 13-20. Hội chứng thủy đậu bẩm sinh bao gồm trẻ sinh ra bị nhẹ cân, sẹo da, loạn sản chi, đầu nhỏ, viêm hắc - võng mạc mắt, đục thủy tinh thể...

5. Như thế chỉ cần tiêm ngừa thủy đậu cho phụ nữ độ tuổi mang thai. SAI

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm ngừa thủy đậu cho mọi người lớn và thanh thiếu niên chưa từng mắc bệnh. Một nghiên cứu tại Singapore vào năm 1994-1995 cho thấy chỉ cần tốn 3,3 triệu USD tiêm ngừa thủy đậu sẽ tiết kiệm được 11,8 triệu USD chi phí hậu quả do bệnh này gây ra.

NLĐ