Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Gừng - gia vị, vị thuốc thân quen


Không một bà nội trợ nào nấu ăn mà không dự trữ gừng trong bếp. Gừng ướp thịt bò, gừng khử mùi tanh, gừng cho vào nồi bắp cải luộc, nồi canh rau cải... Gừng quen là thế, hay dùng là thế nhưng chưa chắc mọi người đã biết hết về gừng- một vị thuốc quý.

Khi dùng làm thuốc đông y gừng có 3 tên gọi: Sinh khương là gừng sống, can (hay cán) khương là gừng khô và thán khương là gừng sao than tồn tính.

Trong gừng có tinh dầu (khoảng 2-3 %) ngoài ra còn có chất nhựa(5%), chất béo(3,7%), tinh bột, chất cay...

Theo y học cổ truyền:

Gừng sống (Sinh khương) có vị cay, tính hơi ôn có tác dụng giải cảm phong hàm, làm ấm bụng, chống nôn, tiêu đờm, giải độc, thường được dùng rất rộng rãi.

1. Chữa cảm lạnh: Người đau nhức, tê mỏi, bứt rứt, sợ lạnh:

Gừng tươi 20g rửa sạch, để cả vỏ giã nhỏ.

Đường đỏ (đường hoa mai) 30g

Đun đường với 200ml nước sôi khoảng 9-10phút, sau cho gừng vào sôi tiếp 5 phút thì tắ bếp. Uống từng thìa nóng, vừa thổi vừa uống. Chú ý uống xong ủ ấm bằng chăn hoặc áo cho tới khi ra mồ hôi. Lau khô mồ hôi, thay bộ quần áo mới.

* Dùng ngoài:

Dùng rượu gừng tươi và tóc rối đánh gió theo 1 chiều: từ giữa trán ra 2 bên thái dương, xuống cổ, ra sau gáy, dọc sống lưng tới sương cùng.

Từ bả vai xuống bắp tay, cánh tay rồi tới từng ngón tay (trước và sau).

Từ hai đùi dọc xuống ngón chân.

Cách chế rượu gừng tươi:

Gừng cả vỏ rửa sạch, giã dập: 0,5kg

Rượu ta: 0,5 lít

Ngâm và dùng ngay, sau khi dùng phải đậy nắp chặt tránh bay hơi

2. Chữa chân tay tê lạnh: vào mùa đông, nhức chân, mỏi gối. Ngâm chân tay vào nước ấm với 1 nắm muối (20-30g) và dúm gừng(15-20g) giã nhỏ. Mỗi tối 15-20 phút.

- Tác dụng:

+ Người già chân tay sẽ ấm áp, giảm đau nhức chân tay, ngủ ngon và sâu

+ Phòng được cảm hàn khi ngủ trong mùa lạnh

3. Cảm lạnh gây ho, nôn oẹ, lạnh bụng, đau đầu

Gừng khô: 10g

Cam thảo sao với mật ong: 4g

Nước 300ml, sắc sôi còn 100ml, chia nhiều lần uống trong ngày. Khi các triệu chứng giảm thì cũng giảm lượng thuốc.

4. Nôn oẹ: Lấy gừng sống nhấm từng chút một cho tới hết nôn.

5. Viêm họng: Ngậm 1-2 lát gừng tươi vào buổi tối (để cả vỏ)

6. Đầy bụng:

Gừng tươi 3 lát uống với nước chín ấm, ngày 2-3 lần.Chú ý nhai dập gừng rồi uống nước, nuốt hết 1 lần.

7. Tẩy mùi ở những nơi như: nách, khuỷu chân, chân ra mồ hôi

Gừng tươi ngâm rượu theo tỷ lệ 1:1 (không dùng cồn). Dùng bông thấm xoa vào nách, khuỷu chân....vừa sạch vừa thơm tho dễ chịu.Dùng rượu gừng này xoa vào bụng, bắp tay, bắp đùi: có thể tiêu mỡ, căng da và giúp da sáng nhuận. Tuy vậy bạn phải kiên trì mới thành công.

Chú ý: Người nhiệt hay bị táo bón, nôn ra máu hay đau bụng do nhiệt: Không dùng.

8. Chống say tàu xe:

Dùng hai miến gừng buộc, hoặc dán băng dính vào hai huyệt nội quan (cách cổ tay 4cm). Lấy một vài lát khác cho vào khẩu trang (nơi mũi) có thể tránh say tàu xe.

Theo Dược sỹ - lương y Bùi Cửu Trường - Mevabe.vn