Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Mẹ con cùng thay đổi


Sifa vừa tròn chín tuổi. Vốn là một đứa trẻ cá tính nên sự bướng bỉnh và nổi loạn của Sifa cũng đến sớm hơn các bạn cùng lứa.

Để chứng tỏ mình đã lớn, con luôn luôn làm theo ý mình, thích làm ngược lại những gì ba mẹ khuyên bảo. Nhưng điều khiến tôi điên tiết nhất là thái độ chống đối, hay lý sự của Sifa. Câu hỏi cửa miệng của Sifa mỗi khi tôi đề nghị con làm một việc gì theo yêu cầu của tôi là: "Tại sao?". Cho dù tôi có giải thích thì câu tiếp theo của Sifa vẫn tiếp tục: "Nhưng mà tại sao?".

Con bé ngang bướng đến mức nhiều lúc tôi có cảm giác như nó chỉ cần chờ mẹ dứt lời là đốp chát ngay, chứ không thèm nghĩ xem mẹ vừa nói gì. Cứ mẹ một câu - con một câu, cho đến khi tôi phát cáu, quát tháo ầm ĩ, Sifa mới chịu nhượng bộ bằng cách chuyển từ cãi tay đôi với mẹ sang lầm bầm trong miệng.

Ảnh minh họa: GettyImages.com

Khoảng cách mẹ và con gái vì thế cứ xa dần. Ngày hai buổi đưa đón con, mẹ con đi cùng nhau gần 30 phút từ nhà đến trường và ngược lại, nhưng nhiều bữa, hai mẹ con chẳng nói với nhau một câu nào.

Cho đến một ngày, khi dọn bàn học cho Sifa, tôi đứng tim khi vô tình đọc được những dòng chữ nguệch ngoạc của con: "Mình ghét mẹ. Tại sao lúc nào mẹ cũng bắt mình phải làm theo ý muốn của mẹ...".

Gạt bỏ công việc kinh doanh bận bịu, tôi dành trọn ba ngày để lên mạng và đọc sách về tâm lý tuổi dậy thì. Mãi đến lúc ấy tôi mới hiểu Sifa của tôi không còn là đứa trẻ nhỏ. Tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng Sifa chưa đủ lớn để có ý kiến hoặc tự quyết định nên không bao giờ giải thích, mà nhất nhất bắt con phải làm theo mệnh lệnh của mình. Tôi cũng quên rằng con đang bắt đầu lớn, bắt đầu ẩm ương nên chỉ "quy chụp" cho con là "lì lợm, bướng bỉnh", học đòi thói hư tật xấu của bạn bè. Kiểu suy nghĩ đó của tôi càng đẩy Sifa vào vị trí "đối kháng" với mẹ.

"Mẹ xin lỗi con vì thời gian vừa qua mẹ nóng nảy, hay la mắng mà ít khi lắng nghe con nói". Sifa ngỡ ngàng nhìn tôi, dường như con không tin câu nói vừa rồi là của tôi. Ôm con vào lòng, tôi nói cho con biết rằng, tôi yêu con thật nhiều, con là cuộc sống, là bầu trời của ba mẹ, những lúc mẹ la Sifa chỉ vì muốn con trở thành một đứa bé ngoan và được mọi người yêu mến. Một cô bé dù xinh xắn đến đâu cũng khó được mọi người yêu mến nếu luôn cãi lời mẹ. Sifa im lặng, tôi biết con đã hiểu. Mãi một lúc sau, Sifa mới thỏ thẻ: "Con xin lỗi mẹ. Bây giờ mẹ nói, con mới biết con sai".

Hôm đó, hai mẹ con tôi cùng "hứa": "Mẹ con mình sẽ cùng thay đổi. Mẹ sẽ lắng nghe ý kiến của Sifa và để con làm theo ý thích của mình nếu Sifa giải thích được lý do vì sao con muốn làm điều đó và nó hợp tình hợp lý. Nhưng con cũng phải nghe xem mẹ đang nói với con điều gì, đừng chăm chăm chuẩn bị để trả lời. Nếu mẹ quên mất lời hứa mà nổi nóng khi chưa nghe con nói, con sẽ nhắc mẹ bằng cách để ngón tay trỏ lên môi. Mẹ cũng sẽ làm giống vậy nếu con quên lời hứa". Tôi khá bất ngờ khi Sifa đưa ra sáng kiến: "Con sẽ làm một bảng thi đua dán lên tường. Ai quên lời hứa sẽ bị dán một bông hoa màu tím".

Tôi và Sifa đang cùng nhau thực hiện "cuộc đổi mới". Tất nhiên mọi chuyện không đơn giản, nhất là về phía tôi, áp lực từ cuộc sống khiến việc kiềm chế và điều chỉnh cảm xúc không dễ dàng chút nào. Nhưng "thắng lợi" đầu tiên tôi đạt được là khoảng cách giữa hai mẹ con đã hoàn toàn được xóa bỏ.

Theo PNCN