Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hà Nội: Mầm non ngoài công lập - đâu đó vẫn có vấn đề


 

Bé sinh hoạt trong trường mầm non

Đề án “Quy hoạch phát triển xã hội giáo dục giai đoạn 2005- 2010”... đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt ngày 24-6-2005 tại Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT, nhấn mạnh phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập với hai hình thức dân lập và tư thục. Trường mầm non ngoài công lập đã được thành lập ở hầu khắp các quận, huyện của thành phố nhưng xem ra loại hình nhà trường này vẫn còn xa lạ với nhiều phụ huynh...

Khoảng 5 giờ chiều một ngày trung tuần tháng 3 - 2006, bên lề đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), bà P.T cùng mấy người hàng xóm phải nói “bã bọt mép” mới giữ lại được một cháu trai đang chạy lăng xăng tìm bố mẹ. Quần áo cháu lấm lem, chân đi tất, không giày dép. Khi mẹ cháu đến đón con, mọi người được biết cháu mới 30 tháng tuổi, là học sinh của một trường mầm non tư thục gần đó. Cháu bị lạc ra đường khá lâu rồi mà không thấy giáo viên hay người có trách nhiệm của trường đi tìm...

Chúng tôi đến Trường Mầm non tư thục (MNTT) Quả Táo Vàng, nơi xảy ra câu chuyện trên. May mà có địa chỉ cụ thể nên dễ dàng tìm được số nhà 1 ngõ 395 đường Lạc Long Quân. Trên khung cổng sắt, một tấm biển lớn được bọc ni-lông kín, nhìn kỹ mới đọc được dòng chữ bên trong “Quả Táo Vàng” (ảnh 1). Nếu không có những chiếc cờ đuôi nheo sặc sỡ treo ở mảnh sân sau trong ngõ và tiếng cười đùa của con trẻ vọng ra, chúng tôi cứ nghĩ đây là khu nhà trọ của sinh viên bởi ngay sau cánh cổng sắt là một dãy nhà cấp bốn cho thuê. Trường MNTT Quả táo vàng là một ngôi nhà cao tầng, có sân và kiến trúc khá thoáng mát. Trường có tường rào riêng, nằm sâu trong số nhà vậy mà không hiểu sao cháu trai hôm nọ vẫn “lọt” ra ngoài, chạy ra đường cách đó vài trăm mét? Lý giải cho điều này, người phụ trách nhà trường đã cho rằng “cháu quá nghịch” và không nhận cháu tiếp tục học tại trường !

Sau sự việc trên, chúng tôi đã tìm hiểu một số trường mầm non ngoài công lập hoạt động trên địa bàn thành phố và được biết, hiện ở tất cả các quận và một số huyện của Hà Nội đã có trường MNTT. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, môi trường giáo dục và học phí tại các trường này có sự “vênh” nhau khá lớn.

Có thể “chia” trường MNTT thành hai loại, bình dân và cao cấp. Trường “bình dân” như MNTT Ly Ly (240 ngõ Văn Chương), MNTT Sơn Hà (xã Đông Ngạc, Từ Liêm), Quả Táo Vàng (số 1 ngõ 395 Lạc Long Quân)... thường sử dụng luôn ngôi nhà vốn có kiến trúc nhà ở làm địa điểm nên không gian không được rộng, sân chơi nhỏ. Ví dụ, Trường MNTT Ly Ly sử dụng ngôi nhà ở ba tầng làm trường học (ảnh 2). Ưu điểm của những trường này có mức học phí khá mềm, phù hợp với điều kiện kinh tế của những phụ huynh là cán bộ, công nhân viên. Trường MNTT Sơn Hà có học phí theo từng nhóm học là 65.000đ -95.000đ/tháng/cháu, Trường Ly Ly 320.000đ-350.000đ/tháng/cháu, “Quả Táo Vàng” 500.000đ/tháng/ cháu...  Mặc dù học phí không cao, điều kiện nhập học dễ dàng nhưng những trường MNTT “bình dân” như thế này vẫn gặp phải sự e ngại của phụ huynh học sinh. Phần lớn các cháu được gửi ở đây chỉ vì gặp khó khăn khi nhập học vào trường công lập như có vướng mắc về hộ khẩu, nhập học muộn, trường đã hết chỉ tiêu...

Các trường MNTT cao cấp như Cầu Vồng (223 đường Âu Cơ), Nhà của Gấu Bông (Koala house-36/71 Láng Hạ), Mặt trời bé thơ (16 Hàng Than)... có môi trường sư phạm khá tốt, không gian thoáng, rộng, sân chơi có nhiều đồ chơi chất lượng cao như cầu trượt, nhà bóng... Trường Mặt trời bé thơ còn có phòng máy vi tính, trường Nhà của Gấu Bông có lớp tiếng Anh ngoại khoá do giáo viên người nước ngoài giảng dạy... Nhưng học phí ở những trường này quá xa vời đối với những người có thu nhập trung bình. Nhà của Gấu Bông có mức học phí 40USD/tuần (tương đương với 460.000 đồng). Mặt trời bé thơ thu 150USD/tháng (tương đương 2.400.000 đồng). Vì vậy, dù môi trường sư phạm và điều kiện phát triển năng khiếu của trẻ ở những trường này khá tốt nhưng chỉ có những gia đình có mức thu nhập rất cao mới có thể gửi con vào đây.

Theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nhà nước khuyến khích thành lập trường mầm non ngoài công lập, không thành lập mới trường công lập. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng, môi trường sư phạm và mức học phí đang là rào cản để mô hình trường mầm non ngoài công lập phát triển. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề trên, mới có thể biến chủ trương thành hiện thực.

HNM