Thế giới thần tiên làm bằng... tay Chưa lần nào tính chất thần tiên, mơ mộng của một câu chuyện cổ lại đến gần với khán giả nhỏ tuổi về mặt hình ảnh như thế ở một vở kịch. Và điều đó có được hoàn toàn bằng sự sáng tạo và từ đôi tay… Xem vở Nàng tiên cá thuộc chương trình Ngày xửa ngày xưa 7 của sân khấu IDECAF, khán giả nhí có thể ngây ngất trong thế giới cổ tích. Thủy cung lung linh với những loài sứa và tảo trong suốt, phát sáng… Hải vương và nàng tiên cá lướt trên những cỗ xe san hô. Mụ bạch tuộc, chúa tể biển đen, ngự trên những con sóng đen cao chót vót. Khi hải vương và phù thủy đánh nhau, nhiều phép lạ xuất hiện. Ngược lại, thế giới của con người thơ mộng với một căn phòng hạnh phúc tràn ngập hoa hồng... Tất cả đều được làm bằng tay. Anh Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc Công ty Thái Dương, cho biết: “Chúng tôi đã phải nghĩ ra đề tài và ý tưởng thực hiện từ trước đó một năm để đặt hàng đạo diễn. Sân khấu của thế giới có thể xoay ngang xoay dọc, quay nhanh quay chậm, mở ra xếp lại…, trong khi sân khấu nhà hát Bến Thành chỉ là sàn gỗ, đến cáp treo cũng không làm được nên chúng tôi phải tốn rất nhiều công sức vì muốn các em có được thế giới thần tiên. Đầu tư 550 triệu đồng, chúng tôi chỉ diễn được 15 đêm ở Bến Thành, chưa kể sau mỗi đêm diễn phải tháo sân khấu ra, buổi sau mới gắn lại…”. Họa sĩ sân khấu kỳ cựu Nguyễn Văn Tòng khẳng định: “Nếu không có sự đầu tư chất xám trong cả một thời gian dài, kể cả đầu tư tiền bạc của những người làm chương trình, họa sĩ khó mà đạt được tính thẩm mỹ sân khấu như thế”. Đạo diễn Hùng Lâm tiết lộ: “Chúng tôi mất ba tháng để suy nghĩ, tính toán, bàn bạc thật kỹ với các khâu âm thanh, ánh sáng, phục trang, đạo cụ, mỹ thuật… về cách làm. Bắt tay vào thực hiện mất một tháng. Để đạt hiệu quả, có cảnh chúng tôi phải đưa đến 50 người ra sân khấu. Như cảnh đánh nhau giữa hải vương và phù thủy biển đen: chiếc xe san hô của hải vương có hai người núp bên trong để đẩy, một người bắn giấy vụn bay tung ra làm phép thuật. Phù thủy được cho ngồi trên một chiếc ghế thật cao có bánh xe, phủ vải đen thật rộng. Bên trong vải, bốn người giữ bốn chân ghế đẩy đi cho khỏi ngã; hai người cầm quạt máy quạt vải bay tung lên và nhiều người cầm mép vải lắc để tạo hình ảnh sóng đen… Chưa thật đạt hiệu quả như mong muốn nhưng chúng tôi cũng tạm hài lòng vì phương tiện cho mình làm thô sơ quá, chỉ cố gắng nghĩ ra cách thức là chính…”. Anh Ngọc Tuấn, người sáng tác và thực hiện phục trang các loài thủy tộc, xuýt xoa: “Bộ áo con tôm của anh Thành Lộc nặng 4-5kg, bộ áo bạch tuộc của Hồng Ánh 7-8kg, lại được làm bằng mút bình thường, không thoát hơi, mỗi khi thay ra người diễn viên ướt hơn tắm… Phải thật sự yêu nghề, yêu trẻ con lắm các diễn viên mới có thể mang trên mình một khối vừa nặng vừa nóng như thế nhảy múa trên sân khấu!”. HÒA BÌNH(TTCN) |