Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chỉ cho trẻ ăn trái cây khi được 4 tháng tuổi


Cha mẹ nào cũng muốn cho con ăn được nhiều thức ăn bổ dưỡng. Thế nhưng, nếu không biết bổ sung dinh dưỡng đúng cách vô tình bạn lại làm bé mắc bệnh.

Chỉ nên cho bé ăn trái cây khi bé tròn 4 tháng tuổi.

Hải sản là nguồn thức ăn bổ dưỡng và cần thiết cho trẻ. Nhưng hải sản cũng rất dễ gây dị ứng, tiêu chảy nếu hệ tiêu hoá của bé chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, các loại hải sản chỉ nên cho bé ăn khi được 9 tháng tuổi. Với những bé chưa tròn 9 tháng tuổi hoặc đầy năm, bố mẹ cần chú ý chỉ cho bé ăn các loại cá đồng.

Ngoài ra, các món như giò chả, xúc xích, dưa muối chua, các loại bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt cũng cần hạn chế với các bé lớn hơn... Bởi chúng thường là nguyên nhân khiến bé dễ bị tiêu chảy. Các loại đường trong bánh kẹo, nước ngọt có thể khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hoá.

Trái cây luôn là lựa chọn số một của cha mẹ khi muốn bổ sung dinh dưỡng cho con. Vì trái cây rất tốt cho cơ thể, nhất là với trẻ nhỏ, trái cây giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết, cung cấp chất xơ giúp phòng chống bệnh táo bón....

Tuy nhiên, khi cho bé ăn cha mẹ cũng cần có hiểu biết đầy đủ: ở độ tuổi nào thì bé được ăn trái cây, hình thức ăn như thế nào, liều lượng bao nhiêu... để tránh những tác dụng không mong muốn.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, với bé dưới 6 tháng tuổi, lượng trái cây dùng trong một ngày chỉ nên dừng lại ở 1 thìa trái cây nạo, và chỉ cho bé ăn khi đã tròn 4 tháng tuổi.

Những bé trên 1 tuổi, lượng trái cây tối đa là 50g/ngày (tương đương với 50ml nước ép). Nếu bé ăn quá nhiều trái cây, lượng đường được cung cấp quá nhiều làm bé không tiêu hóa hết, khiến bé bị đầy hơi. Đó cũng là nguyên nhân gây hiện tượng đi ngoài ở trẻ, thậm chí bé còn bị kích thích dạ dày gây nôn mửa.

Một số loại thức ăn như phô mai, bột mặm, sữa chua cũng có khả năng khiến bé bị tiêu chảy nếu cho ăn quá sớm.

Bố mẹ nên cho con ăn uống đa dạng, đầy đủ các chất và đảm bảo bốn nhóm dinh dưỡng như nhóm chất bột, chất xơ, chất đạm và dầu mỡ. Mỗi khi muốn thay đổi món ăn cho bé bạn cần có sự tư vấn của bác sỹ để con bạn có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất, giúp con phát triển toàn diện và phát triển trí thông minh.

Theo NLD