Bé 7-8 tháng đã thích cháo hạt Theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, bé đủ sáu tháng nên bắt đầu cho ăn dặm bằng bột, khi mọc răng mới chuyển sang tập ăn cháo. Tuy nhiên, một số bé bỏ qua giai đoạn ăn bột mà 'nhảy cách' sang ăn cháo luôn khiến nhiều mẹ không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của bé không? Cháo thì ăn, bột ngậm chặt miệng Bé TuTi vẫn "ti" mẹ mà không chịu ăn sữa ngoài nhưng sữa của Quỳnh không nhiều như trước nên Quỳnh rất lo. Có hôm, chị gái (4 tuổi của TuTi) ăn cháo thấy em cứ ngồi "nhìn mồm" liền bón thử một miếng cho em thì bé ăn ngon lành và còn tỏ ra thích thú. Thế là cu cậu "chén" liền một mạch hết cả nửa bát cháo của cô chị trước sự ngạc nhiên của cả nhà. Từ bữa đó, Quỳnh không nấu bột nữa mà chuyển sang nấu cháo cho TuTi ăn và bữa nào bé cũng ăn hết được một bát. Tuy nhiên Quỳnh và chồng không biết cho bé ăn cháo như thế có quá sớm và có ảnh hưởng gì đến dạ dày còn non nớt của TuTi hay không. Tương tự, bé Bông (8 tháng tuổi) nhà chị Diệp (tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cũng khiến cả nhà đau đầu vì chuyện ăn bột, ăn cháo. Đến mức trong nhà còn chia làm hai "phe đối lập" rất căng thẳng. Chưa mọc được cái răng nào nhưng bé Bông cũng không chịu ăn bột nên Diệp nấu cháo rồi đánh nhuyễn cho bé ăn. Thế nhưng mẹ chồng Diệp thì cho rằng ăn cháo sớm mà bỏ qua ăn bột là không tốt. Bà bảo trước đây bà nuôi bố của Bông phải ăn bột đến hơn một tuổi mới chuyển sang cháo và nhà nào cũng làm như thế. Đã thế dạo này Bông còn đòi ăn cả cơm nát và Diệp thỉnh thoảng vẫn cho bé ăn thử vài thìa khiến bà nội Bông giận lắm bảo như thế "làm hại đến dạ dày của con bé". Vẫn phải cho bé ăn theo sở thích Tuy nhiên khi bé mới được 6-7 tháng thì thường chưa có răng hoặc mới chỉ mọc được một vài cái, khả năng nhai của bé chưa có. Lúc này nếu bé ăn cháo cả hạt mà nấu chưa nhuyễn bé sẽ ăn bằng cách nuốt chửng vào bụng trong khi men tiêu hóa của bé còn rất kém sẽ gây khó tiêu, cơ thể không hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng có trong cháo. Thêm vào đó giữa cháo và bột có cách chế biến khác nhau. Bột cho bé ăn thì đến bữa nào nấu bữa ấy, có thể đổi món trong từng bữa giúp bé ngon miệng hơn. Nấu bột không mất nhiều thời gian ninh trên bếp nên các loại rau củ nấu chung giữ được các khoáng chất, chất dinh dưỡng, vitamin ít bị phân hủy do nhiệt. Độ nhỏ, mịn của bột giúp bé dù chưa có răng, không thể nhai được khi đưa vào dạ dày vẫn có thể dễ dàng tiêu hóa được. Còn đối với cháo thì thường các gia đình hay nấu sẵn để bé ăn trong cả một ngày vì nếu nấu từng bữa sẽ rất mất thời gian. Chỉ đến bữa ăn mới mang ra hâm nóng lại. Quá trình ninh nấu nhiều lần như vậy sẽ làm mất đi đáng kể một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin có trong rau củ tươi và sẽ khiến rau nồng, khó ăn. Hơn nữa việc bảo quản cháo cũng cần phải đảm bảo, cẩn thận nếu không rất dễ xảy ra tình trạng bị ôi, vữa, nhiễm khuẩn không tốt cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, theo bác sĩ Liên thì "lý thuyết" là thế nhưng một số bé lại không thích ăn bột mà chỉ muốn ăn cháo hoặc thậm chí có bé còn đòi ăn cơm ngay như người lớn. Trong trường hợp này thì bắt buộc cha mẹ phải chiều theo ý muốn của bé còn hơn là để cho con nhịn đói. Giải pháp tốt nhất là phải tìm cách chế biến thức ăn cho bé sao cho phù hợp, vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh và không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Theo bác sĩ Liên, so sánh giữa cháo và bột nếu nấu theo cùng công thức thì thành phần dinh dưỡng không khác nhau. Vì vậy bé có thể ăn cháo hoặc ăn bột thay thế mà không sợ thiếu hụt về dinh dưỡng. Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải biết cách chế biến sao cho đúng. Hiện nay, với các dụng cụ tiện lợi như nồi áp suất, nồi cơm điện thì việc nấu, ninh cháo không mất nhiều công sức như ngày trước. Nên ninh cháo thật nhừ sau đó đánh nhuyễn trước khi cho bé ăn. Tốt nhất kể cả cháo hay bột đều nên nấu chín bột, cháo với thịt cá trước, sau đó mới cho rau củ vào rồi nấu thêm một lúc cho rau vừa chín là múc ra cho bé ăn như thế sẽ không làm rau bị nồng và giữ lại được các chất có lợi, tốt cho sức khỏe của bé. Đầu tiên nên cho ăn loãng để dạ dày bé làm quen và thích nghi dần dần. Bác sĩ Liên cho biết, khoảng từ một tuổi trở nên bé đã có thể ăn cháo đặc hoặc ăn cơm nát. Lúc này đa số bé đã mọc được ít nhất là 8 chiếc răng trở lên, có thể nhai một số thức ăn mềm và cũng nên cho bé ăn đa dạng thức ăn để rèn luyện khả năng nhai, giúp tuyến nước bọt phát triển. Ngược lại một số bé lại cứ đòi ăn bột mãi mà không chịu chuyển sang cháo dù đã mọc đủ răng, theo bác sĩ Liên cũng không tốt. Điều này sẽ tạo cho bé thói quen lười nhai. Hơn nữa càng lớn, cơ thể bé đòi hỏi phải được cung cấp thêm nhiều loại thức ăn đa dạng trong khi không phải loại nào cũng có thể nghiền mà nấu chung với bột được. Cho nên nếu ăn bột quá lâu, bé sẽ rất thiệt thòi, có thể thiếu hụt một số dưỡng chất và thậm chí còn dẫn đến chứng lươì ăn, kén ăn sau này. Theo Đất Việt |