Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chơi với con đúng cách


Trẻ thơ rất hiếu động, khả năng tập trung kém, khó tuân theo sự giáo dục cứng nhắc.

Nhưng nếu biết lợi dụng lòng hiếu kỳ, tâm lý thích chơi đùa, hiếu động của trẻ, bạn có thể khiến cho trẻ học được rất nhiều trong khi chơi. Bởi vì, khi chơi, độ nhạy bén của não trẻ tăng thêm rõ rệt, kiến thức trở nên dễ dàng tiếp nhận.

Do đó, hầu như tất cả những nhà Giáo dục và nhà Tâm lý học trẻ thơ đều coi trọng hoạt động vui chơi, coi trò chơi là phương pháp tốt nhất thúc đẩy sự phát triển năng lực trí tuệ của trẻ.

Bé thích chơi trò gì?
Sự phát triển tâm lý của trẻ là một quá trình liên tục, mỗi tháng tuổi trẻ đều có hứng thú và ý muốn khác nhau. Vì vậy, cảm hứng và trình độ của trẻ sẽ thay đổi theo từng tháng tuổi.

Những tháng đầu tiên, trò chơi chúng thích là kích thích bộ máy cảm giác bằng cách chơi đùa với tứ chi của mình. Trẻ nhìn không biết chán ngón tay, lẫy, giơ chân, cầm đồ chơi cắn gặm, sờ bàn chân, từ những trò đó trẻ rất hứng thú.

Từ 5 - 8 tháng tuổi, quan niệm trò chơi của trẻ bắt đầu đổi mới. Những trò, những động tác chơi trước 5 tháng ngày một giảm, hứng thú chuyển hướng sang nôi dung một số trò chơi mới như: gặm ngón chân, giậm chân, nhún nhảy khi được xốc nách, quay người, lắc đầu, dùng lực đứng dậy, gõ, ném đồ vật, gặm đồ vật.

Trẻ sau 8 tháng, trình độ chơi nâng cao hơn. Thích một số trò chơi có ý nghĩa xã hội, như nghịch búp bê, bế đồ chơi động vật nhỏ, động tác chơi khó hơn, như đá chân, giậm chân, bò đi lấy đồ chơi, nằm sấp trên giường, bàn ghế xoay tròn, xê dịch ghế con, đồ dùng trong nhà, và tập nói.

Căn cứ vào những đặc điểm này, bố mẹ có thể tuỳ theo tiến trình phát triển năng lực của trẻ mà thiết kế một số trò chơi tương ứng, rồi cùng vui với trẻ. Qua đó, chẳng những đem lại nguồn vui trong gia đình, mà còn đặt cơ sở cho sự trưởng thành về hành vi lành mạnh, phát triển năng lực tư duy của trẻ sau này.

Vì sao nên dạy trẻ cách chơi một mình
Trẻ vừa mới sinh ra đã được bạn chăm sóc vô cùng chu đáo, gắn bó với bạn như hình với bóng.

Nếu bạn tiếp tục bao biện mọi mặt, trẻ sẽ không có được niềm vui của chơi đùa một mình, sẽ luôn luôn dựa vào bạn, "dính" vào bạn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, mà còn dễ khiến con bạn trở nên nhút nhát, tính độc lập kém.

Bây giờ, trẻ được hơn 6 tháng rồi, đã biết ngồi, biết lẫy và tập bò. Bạn hãy dành cho con một khoảng riêng nhỏ, sạch sẽ, an toàn để nó tự ý chơi trên địa bàn này: bày biện những đồ chơi nó thích, di động thân thể, thay đổi tư thế, làm mọi động tác, từ đó có thể nghiệm niềm vui thú chơi một mình mà trước đây nó chưa có.

Lúc này bạn khỏi lo lắng nhiều về trẻ, có thể làm việc của bạn bên cạnh nó, thỉnh thoảng nói vài câu để chứng tỏ bạn cổ vũ và quan tâm, khiến cho bé càng tự tin và nhiệt tình chơi.
Đợi con chơi một lúc rồi bạn lại xen vào dạy con trò chơi mới để nó lại thể nghiệm được niềm vui có bạn cùng chơi. Bạn có thể bế con ra bên ngoài nhà đi dạo một lát, để con được tiếp nhận kích thích của thiên nhiên.

Như vậy, giờ chơi của con bạn sẽ không bị nhàm chán, mà bạn cũng có chút thời gian để làm việc khác. Tuy nhiên, khi để con chơi một mình, bạn vẫn cần để mắt đến bé.

Theo bibi.vn