Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chất lượng giáo dục thấp, do đâu?


TT - “Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục” là chủ đề của cuộc hội thảo do báo Nhân Dân phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 23-12 với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo và cán bộ quản lý các địa phương. Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất đánh giá chung: chất lượng giáo dục đang ở mức thấp, tính khách quan và độ tin cậy trong đánh giá chất lượng giáo dục chưa tạo được lòng tin đối với xã hội... Chỉ biết học để đi... thi! GS Trần Thanh Đạm (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đưa ra một đánh giá không khỏi làm buồn lòng từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đến các cán bộ quản lý giáo dục (GD) các cấp có mặt tại hội thảo: “Đối với chất lượng GD hiện nay của chúng ta, dù là GD phổ thông hay GD chuyên nghiệp, dù là GD tiểu học hay GD đại học, dù là người lạc quan dễ tính hay người bi quan khó tính, đều không thể hài lòng, thậm chí không thể chấp nhận được”. Rất nhiều cách lý giải khác nhau về nguyên nhân làm chất lượng GD không cao. Nhưng trong con mắt của các nhà giáo, cán bộ quản lý GD lão thành, một trong những nguyên nhân chính khiến chất lượng GD còn hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển của đất nước là do chưa thoát ra khỏi một nền “GD ứng thí”, trong đó mục tiêu chủ yếu của người học là đi thi. GS Văn Như Cương nhận xét: “Người học đáng lẽ phải thấm nhuần mục tiêu: học để biết, học để làm, học để hòa nhập cộng đồng và để tự khẳng định mình... còn thi cử chỉ là một khâu nhỏ trong học tập để có thể đánh giá sự thu hoạch của người học chứ không phải mục đích cuối cùng. Thế nhưng nhìn vào không khí học tập ở ta hiện nay, hầu như toàn bộ nỗ lực của thầy và trò đều tập trung chủ yếu vào việc thi cử. Hiện tượng học để đi thi là phổ biến, bắt đầu ngay từ cấp học thấp nhất...”. GS Trần Thanh Đạm cũng cho rằng “hiện tất cả việc dạy-học đều nhắm đến các kỳ thi”. Nhưng ông lý giải ngoài những nguyên nhân khách quan về nguồn lực đầu tư cho GD còn hạn chế, những tác động của mặt trái xã hội..., nguyên nhân chủ quan của chất lượng kém về GD vẫn là ở khâu lãnh đạo, quản lý GD từ vĩ mô đến vi mô, nhất là vĩ mô. GS Đạm cho rằng: “GD phổ thông thì quản lý quá cứng nhắc, máy móc, có tính sắp đặt theo chương trình, sách giáo khoa, giáo viên hoàn toàn bị động, chấp nhận, một mực tuân thủ các đề án cải cách từ nội dung đến phương pháp được thiết kế sẵn và áp đặt xuống. Trong khi đó GD chuyên nghiệp và đại học thì hoàn toàn tự phát, trăm hoa đua nở. GD phổ thông gò bó bao nhiêu thì GD đại học và chuyên nghiệp thoải mái bấy nhiêu...”.   Cần “thanh xuân hóa giáo dục phổ thông” Đối với GD phổ thông, GS Trần Thanh Đạm kiến nghị cần mạnh dạn giảm nhẹ nội dung để tăng cường phương pháp, dành nhiều hơn nữa không gian và thời gian cho cả thầy và trò suy nghĩ, sáng tạo. Theo ông, cần “thanh xuân hóa” GD phổ thông vì GD phổ thông là trồng người, cần chăm sóc, vun trồng một cách kiên nhẫn, chu đáo, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ trưởng thành một cách tự nhiên, lành mạnh, nẩy nở các phẩm chất, năng lực vốn có. GS Văn Như Cương nhận định: “Có nhiều nguyên nhân làm cho hiện tượng bất hợp lý “học để đi thi” còn tồn tại lâu dài. Theo tôi, nguyên nhân chính là tỉ lệ con số HS vào ĐH, CĐ của chúng ta còn rất thấp. Con đường học tập tuy khá rộng rãi ở bậc phổ thông lại bị “thắt cổ chai” ở quãng đường lên ĐH, CĐ. Bởi vậy mọi gia đình thúc ép con cái học hành, chạy marathon từ tiểu học, học thêm, học trước chương trình, ôn luyện tủ..., tất cả những nỗ lực không mệt mỏi ấy chỉ để nhắm đến một mục đích cuối cùng là kiếm lấy một ghế trên giảng đường ĐH rồi sau như thế nào sẽ tính tiếp”. GS Văn Như Cương đề xuất: “Cần phải có một kế hoạch khả thi để trong vòng năm năm nữa có thể mở thêm nhiều trường ĐH (công lập cũng như dân lập) với nhiều mô hình đào tạo khác nhau: ĐH tinh hoa, ĐH cộng đồng, ĐH địa phương, ĐH cho các vùng kinh tế khác nhau... Khi đó hầu như các HS có nguyện vọng vào ĐH, CĐ đều được chấp nhận, các cuộc thi tuyển sinh sau bậc phổ thông sẽ không còn là nỗi ám ảnh quá lớn. Các lò luyện thi sẽ tự động giải tán, học thêm dạy thêm tràn lan sẽ chấm dứt... Từng bước có thể làm cho các cuộc thi trở thành những cuộc kiểm tra bình thường”. Dĩ nhiên song song với việc mở rộng hệ thống ĐH, theo GS Văn Như Cương, cũng phải có những biện pháp quản lý chất lượng. Để quản lý chất lượng GD-ĐT, một giải pháp được nhiều ý kiến tập trung đề cập nữa là vấn đề đánh giá chất lượng GD. Ông Lê Duy Vị, giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, khẳng định thay đổi cách đánh giá chất lượng GD, thi cử là một công việc ngành GD phải ưu tiên tập trung trong thời gian tới. GS Vũ Văn Tảo cũng khẳng định: “Ở bình diện nhà trường nên sớm áp dụng hệ thống kiểm định chất lượng. Công tác quản lý chất lượng tại mỗi trường học phải được tổ chức tăng quyền tự chủ của nhà trường, thực hiện kiểm định chất lượng, đề cao vai trò của người thầy, tạo điều kiện phát triển hết khả năng của người học thông qua tự học, biết cách tự học sáng tạo”.  Mới chỉ qua một cuộc hội thảo, đã có rất nhiều giải pháp trực tiếp hoặc gián tiếp nâng cao chất lượng GD-ĐT. Nhưng để thực hiện được những giải pháp này, mang đến hiệu quả thực tế, có lẽ còn phải chờ các nhà quản lý GD có hành động hay không và hành động như thế nào. “Tôi có lần ví ngành GD có đôi cánh lớn là GD phổ thông và GD chuyên nghiệp, song hai cánh này bị lệch nên không cất mình lên được, cứ loạng choạng muốn sa xuống đất. Tôi cũng cảm thấy GD của chúng ta như một vệ tinh được phóng lên, song chưa đi vào quĩ đạo của mình, chưa tự động bay theo quĩ đạo mà phải thường xuyên điều chỉnh, điều khiển, tốn rất nhiều công sức mà kết quả, thành công vẫn bị hạn chế. Tóm lại nguyên nhân chủ quan gây nên chất lượng GD kém là do GD chưa có một chiến lược tổng thể, toàn diện tương xứng với vị trí quốc sách hàng đầu”.                                                     GS Trần Thanh Đạm