Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé uống nhiều nước hoa quả... sẽ mang bệnh


Cu Tít 3 tuổi nhưng rất lười ăn rau và ăn hoa quả. Mẹ Tít phải xay hoa quả hoặc ép thành nước. May mà con cũng chịu ăn và lại thích nước hoa quả nữa chứ. Con cứ uống vô tư thỏa thích mấy cốc nước hoa quả một ngày, có khi thay cho nước lọc.

Bỗng dưng gần đây, cu Tít chán ăn, thậm chí còn bị nôn ói chóng mặt. Mẹ đưa Tít đến bệnh viện, bác sỹ chuẩn đoán rất có thể do con uống quá nhiều nước hoa quả trong một thời gian dài dẫn đến hiện tượng giảm natri huyết. Hiện tượng này có thể gây phù não, thậm chí còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng và ngất lịm ở trẻ dưới hai tuổi. Uống nước hoa quả rất có lợi cho sức khỏe và phát huy tác dụng khi chúng vừa đủ lượng. Nếu uống quá nhiều, chúng sẽ gây hại cho sức khỏe.

Theo Viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics), trẻ em uống quá nhiều nước ép trái cây có thể ảnh hưởng sự phát triển khoang miệng, bị béo phì, mắc các bệnh đường ruột như đầy hơi, đau bụng...

Khi con uống nhiều nước ép sẽ làm con bị đầy bụng và giảm cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm khác. Khi đó, trẻ vẫn nhận được rất nhiều năng lượng nhưng hầu hết là đường và carbonhydrate nhưng lại thiếu chất béo và protein. Hơn nữa, nước ép trái cây không chứa nhiều các chất dinh dưỡng dù chứa nhiều vitamin C và giúp tăng cường can-xi. Khi trẻ uống nhiều nước ép, chúng sẽ không uống nhiều sữa trong khi sữa là nguồn cung cấp quan trọng các vitamin, can-xi và khoáng chất.

Mẹ cho con uống lượng nước hoa quả vừa đủ một ngày
Uống bao nhiêu nước ép trái cây là đủ?
Bố mẹ không nên cho trẻ uống các loại nước ép cho đến khi sáu tháng tuổi. Để chắc rằng trẻ không uống quá nhiều nước ép trái cây, bạn có thể theo các tiêu chuẩn sau của viện APP:
Giai đoạn từ 6 đến 12 tháng: 118ml/ngày.
Giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi: 177ml/ngày.

Giai đoạn từ 7 tuổi trở lên: 355ml/ngày.
Ngày nào trong thực đơn của bé trên một tuổi cũng nên có nước ép trái cây. Nhưng không phải vì nó tốt mà bé có thể uống thay nước lọc.

Không đánh đồng nước ép hoa quả đóng hộp với rau quả tươi.
Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ cần trẻ uống đủ lượng nước hoa quả thì dù trẻ có kém ăn, không ăn rau hay hoa quả cũng không sao. Nhưng thực tế lại không như vậy.

Mẹ nên tự ép các loại trái cây cho con uống thay vì dùng các loại nước ép đóng hộp hay cho thêm đường, vì nước ép nguyên chất sẽ cho nhiều vitamin và ít chất phụ gia hơn. Dù vậy, thay vì uống nước ép, bạn cho con ăn trái cây sẽ tốt hơn vì chúng có nhiều chất xơ.

Theo các chuyên gia, nước hoa quả đóng hộp chắc chắn không thể sánh với rau quả tươi bởi chúng thường có thêm các chất phụ gia (chất tạo màu, mùi, chất bảo quản...).

Ngay cả nước hoa quả tự ép cũng không tốt bằng hoa quả tươi bởi thiếu đi hàm lượng chất cellulose (do phần chất xơ thường bị vứt bỏ). Mà cellulose có công dụng vô cùng lớn: nó thúc đẩy tiêu hóa ở trẻ, phòng chống táo bón, chống dư thừa nhiệt lượng, kiểm soát béo phì. Do đó cùng với việc cho trẻ uống nước hoa quả nên cho trẻ ăn nhiều chất xơ.

Làm nóng quá kỹ trước khi uống
Không ít bà mẹ có thói quen đem hâm nóng nước hoa quả rồi mới cho con uống mà không biết rằng trong quá trình ép vitamin trong hoa quả đã bị phá hủy một phần, nếu lại đem hâm nóng sẽ khiến cho vitamin bị phá hủy nhiều hơn. Các chuyên gia khuyên rằng nước hoa quả không nên hâm nóng. Uống bình thường hoặc để lạnh càng nhiều dinh dưỡng.

Nhiều người không chú ý cho trẻ súc miệng sau khi cho trẻ uống nước hoa quả nên dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ.

Không dùng nước hoa quả uống thuốc
Vì thuốc đắng và muốn dụ con uống thuốc, nhiều mẹ đã lấy nước hoa quả thay cho nước lọc để giúp con uống thuốc.

Nước hoa quả có chứa hàm lượng lớn vitamin C và axit. Nếu uống thuốc cùng với nước hoa quả không những làm giảm tác dụng của thuốc mà còn dẫn đến những phản ứng không tốt. Nếu uống thuốc sunfa với nước hoa quả sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho thận.

Bố mẹ hãy khuyến khích con tự ăn hoa quả thay cho uống nước quả tươi. Thỉnh thoảng mẹ có thể đổi bữa cho bé đỡ chán, nhưng không nên lạm dụng việc xay/ép hoa quả cho con nhé!

Theo afamily