Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dinh dưỡng cho mẹ và trí tuệ của con


Tất cả các yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi, của trẻ em trong những năm đầu tiên đều ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Trong đó yếu tố dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của não trẻ.

Để trẻ có một bộ não khỏe mạnh, có thể phát triển trí thông minh một cách tối ưu thì điều đầu tiên là bào thai phải được tạo thành từ những người mẹ, người bố (nhất là người mẹ) khỏe mạnh. Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng đầy đủ cho người mẹ, đặc biệt là trong thời kỳ thai nghén đến những năm đầu sau khi sinh có vai trò vô cùng quan trọng. Dinh dưỡng đầy đủ tạo điều kiện tối ưu cho não bộ của trẻ phát triển, tránh được các dị dạng của hệ thần kinh và não.

Ngay từ trước khi thụ thai cha mẹ phải chuẩn bị tốt về sức khỏe (dự trữ đầy đủ về dinh dưỡng) và tinh thần. Nếu chờ đến khi có thai mới bổ sung những thiếu hụt về dinh dưỡng từ trước cho người mẹ thì đã muộn và kém hiệu quả hơn việc được dự phòng từ trước khi có thai.

Khi có thai, người mẹ cần ăn uống đủ cả về lượng và chất các chất dinh dưỡng nhằm đảm bảo cho hoạt động cơ thể mẹ và thai nhi phát triển tốt. Giai đoạn này thai phụ cần sử dụng đa dạng nhiều loại thức ăn, ăn thức ăn sạch, ăn nhiều thịt, cá và rau, quả chín.... Năng lượng trong khẩu phần của phụ nữ có thai theo nhu cầu là 2550 kcal nhều hơn khi không có thai là 350 kcal. Trong 9 tháng có thai, người mẹ cần tăng trọng lượng cơ thể thêm 10 - 12kg.

Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ. Hãy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Các nghiên cứu cho thấy những trẻ được nuôi đầy đủ bằng sữa mẹ thì sự phát triển trí tuệ, sức đề kháng và miễn dịch sẽ tốt hơn những trẻ được nuôi bằng các thức ăn nhân tạo.

Để mẹ có nhiều sữa ngoài những món ăn có tác dụng tăng tiết sữa quen thuộc như móng giò, cháo đu đủ, chân chó... còn có một số loại thực phẩm giúp tăng tiết sữa mẹ rất hiệu quả như: nhóm chất béo bao gồm dầu, vừng, lạc, bơ...; các thực phẩm chứa vitamin A cao là gấc, cà rốt, gan heo, trứng vịt lộn...

Từ tháng thứ 6 bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung thêm các thức ăn khác, nhưng vẫn tiếp tục cho bú mẹ đến 18-24 tháng tuổi. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng).

Trong những năm đầu tiên của cuộc đời, vai trò của chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Theo các chuyên gia y tế, nếu thiếu các chất dinh dưỡng trẻ sẽ bị bệnh suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt, các rối loạn do thiếu iốt... để lại những hậu quả vĩnh viễn cho não bộ.

Theo LĐO