Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Tôi là con trai của bố”


Một buổi sáng lạnh thấu xương ở New England năm 1964, tuyết rơi bốn ngày đã cứng như băng, cao tới tận cửa sổ phòng ngủ. Trong cơn buồn ngủ của đứa trẻ 12 tuổi, tôi bước qua hành lang vào buồng tắm, nghe tiếng động cơ xe tải đang nổ ầm ầm ngoài sân.

Qua ô cửa sổ, tôi thấy dáng bố đang di chuyển trên nền tuyết trắng. Tôi thấy tiếng giầy lạo xạo trên mặt tuyết cứng, thấy gương mặt của bố ẩn bên dưới mũ lưỡi trai len, cổ áo lộn ngược, và khăn len quấn quanh cổ, cằm. Bố tôi một tay đeo găng, cầm dao cạo băng trên kính xe tải, tay còn lại quét lớp băng đã cạo trông như râu bằng tuyết trên chiếc xe tải cũ kỹ.

Bố luôn tất bật với công việc. Một chiến binh thầm lặng đang bước vào đấu trường của cuộc chiến mưu sinh hàng ngày. Bố, người thức khi phần còn lại của thế giới đang ngủ. Và ông ngồi vào cabin, điều khiển chiếc xe cẩn thận ra khỏi sân, chiếc xe chìm vào bóng tối lờ mờ lúc bình minh.

Tôi quay trở lại với sự ấm áp của chăn đệm, trên giường của riêng tôi, trong phòng của riêng tôi. Tôi biết tôi có thể ngủ và tiếp tục những giấc mơ trong ấm áp, bởi vì bố đang ở bên ngoài, chiến đấu với lạnh giá.

Trong suốt những buổi sáng sớm thời cấp hai, trung học, tôi đều nhìn bố rời nhà đi làm như vậy, và không bao giờ nói với ông rằng hình ảnh đó ảnh hưởng đến tôi như thế nào. Tôi chỉ đơn giản ngạc nhiên về khả năng của bố với những công việc ông đã làm: Giữ cho nhà bếp luôn đầy thức ăn, trả tiền cho những bài học nhạc của tôi, trả tiền bảo hiểm xe hơi để con trai ông có thể lái xe suốt những năm học trung học, xếp những món quà Giáng Sinh dưới cây thông, đưa tôi tới Boston để mua sắm quần áo mới, thả tôi ở nhà thờ vào Chủ Nhật, đưa tôi đến thăm trường đại học vào ngày nghỉ của ông, vui đùa với mẹ tôi trong phòng khách và gật đầu với những đòi hỏi khi mà tôi còn chưa nói hết câu. Có lẽ vì những điều đó dường như quá quen thuộc nên tôi không bao giờ nói về chúng, không bao giờ suy nghĩ chúng vượt ra những nhu cầu ích kỷ trẻ con.

Sau đó tôi vào đại học và ở xa nhà. Khi đó bố chỉ thỉnh thoảng xuất hiện qua giọng nói trên điện thoại hoặc qua dòng tên viết nguệch ngoạc dưới phong bì thư hàng tuần với một tờ 10 đô la bên trong. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng có những người đàn ông khác quan trọng hơn bố. Đó là những người đàn ông dạy tôi trên giảng đường bằng lời lẽ trầm bổng, viết những bài báo và giải thích những triết lý phức tạp. Bố không làm được việc nào như thế, ông còn chưa học hết trung học. Tôi sùng bái những học giả đã đánh thức những khát khao của tôi, những người đàn ông đã chết mà tên họ ghi trên những cuốn sách, những tòa nhà và cả những đồng tiền tôi thèm muốn có được.

Năm cuối đại học, tôi đi du lịch ở Châu Âu. Tôi cho rằng mình đã được đi nhiều, thấy nhiều và đạt được nhiều thành công hơn là bố. Tôi đã tự cho mình quan trọng, huênh hoang với học bổng cao học, quá tự hào với sự tán dương và bằng cấp mang tên tôi.

Sau đó tôi bước vào một thời kỳ kinh khủng với công việc căng thẳng, các mối quan hệ, những người chủ nợ và nhiều áp lực khác. Năm 29 tuổi, tôi trở về nhà, nói chuyện với bố. Chúng tôi cùng chơi một trận bóng rổ, uống bia và xem tivi, nghe một câu chuyện về thời thơ ấu của ông ở Georgia và nghe điệu cười ấm áp, mãn nguyện của ông. Tôi khám phá ra bố tôi một lần nữa. Bố luôn ở đó để tôi trở về, thấy lòng mình bình yên. Không giống như các vị giáo sư, các cuốn sách, những người nổi tiếng hay những ông thầy, bố luôn ở đó. Ông là bố tôi, một người dành hết đời mình cho một công việc không lương trong một xã hội mà ông đã trở thành lỗi thời.

Đầu tuổi 30, khi cũng trở thành một ông bố, tôi hiểu bố hơn bao giờ hết. Tôi thức dậy sớm, hi sinh những mong muốn cá nhân, nhẫn nhục và làm việc ngày đêm để con trai tôi có phòng riêng, có giường ngủ riêng và có những giấc mơ. Tôi biết chắc rằng mình có thể làm những điều đó cho con, bởi vì bố đã làm chúng cho tôi.

Giờ đây, ở tuổi 47, khi tôi dành những khoảnh khắc quý báu cho đứa con trai 13 tuổi của tôi, khi chúng tôi có cùng nhau những giây phút ngắn ngủi xem phim, hay một trận bóng rổ, khi ở nhà thờ hay ở đường cao tốc, tôi tự hỏi nó nghĩ gì về mình. Nó sẽ loại tôi khỏi danh sách những người đàn ông quan trọng như thế nào, và liệu sẽ có điều gì khiến nó sẽ quay trở lại và hiểu tôi? Nó sẽ đo đếm những điểm mạnh và điểm yếu, những thói xấu, thành công và thất bại của tôi như thế nào? Liệu nó sẽ nghĩ về tôi với tình yêu và sự kính trọng chứ?

Đôi khi những bài học đơn giản lại khó dạy nhất và những chân lý rõ ràng nhất lại rất khó học. Tôi hi vọng một ngày, con trai tôi sẽ trân trọng tất cả những bài học và chân lý mà nó chứng kiến từ cuộc đời tôi, cái mà tôi học từ ông nội của nó.

Và khi con trai của tôi lớn hơn, tôi tin rằng nó, cũng như tôi, sẽ đánh giá những bước đi của nó bằng những gì tôi đã làm cho nó, giống như tôi đạt được thành công bởi những gì bố đã làm cho tôi. Khi con trai tôi làm được điều đó, có lẽ nó sẽ cảm thấy tự hào và mãn nguyện giống như tôi, khi nói: "Tôi là con trai của bố".

Theo Dân Trí