Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Món ăn của tình yêu


" Mẹ ơi ! Sao khi nào nấu cháo cóc, con cũng thấy mẹ ăn trước hết vậy?
- Ừ thì mẹ thử coi có ngon không đó mà !"

Câu trả lời hiền hòa của mẹ làm thằng nhóc là tôi ngày ấy không thắc mắc nữa. Mãi đến giờ tôi mới hiểu, mẹ làm vậy là để bảo vệ sự sống cho cả nhà. Thịt cóc rất bổ, giàu đạm, nhưng nếu làm cóc bất cẩn khi ăn sẽ chết người, vì trứng và mật cóc rất độc.

Những năm tám mươi, nhà tôi ở vùng kinh tế của một tỉnh nghèo. Ba đi dạy, lương ba cọc ba đồng. Mẹ làm ruộng tảo tần quanh năm suốt tháng phụ ba nuôi tám miệng ăn. Nhà nghèo, bữa cơm gia đình thường là cháo trắng ăn độn với cây chuối hột xắt mỏng mà dân quê thường gọi là rau ghém.

Lâu lâu mới được một bữa ăn ngon là cơm nấu với khoai mì hay chuối và nồi cá lòng tong kho tiêu mà anh Tư đặt vó được ngoài mương khi trời mưa. Thấy con đứa nào cũng ốm trơ xương, mẹ tìm cách cải thiện bữa ăn. Đêm đêm mẹ xách cái đèn lồng tự làm bằng lọ thuốc kí ninh và tấm liếp tre đan lại che cho gió khỏi tắt. Mẹ lặn lội khắp xóm để bắt cóc kẹ về làm thịt, nấu cháo cho chị em tôi ăn. Mỗi lần nấu xong mẹ đều ăn thử trước mới cho cả nhà ăn sau! Mấy chị em bu quanh nồi cháo nóng hổi thơm lừng, xì xụp húp, đâu biết rằng mẹ đã giành lấy cái chết (nếu không may) đổi lấy sự sống cho cả nhà. Nhờ những nồi cháo cóc của mẹ mà chị em tôi đứa nào cũng khỏe mạnh, không bị bệnh vặt. Có lẽ những năm tháng khổ cực ấy đã cướp đi sức lực của mẹ! Mẹ ngã bệnh, qua đời khi chị em tôi chưa đứa nào hiểu được câu trả lời của mẹ ngày trước !

Bây giờ, tôi đã trưởng thành , hiểu dược câu nói và việc làm của mẹ ngày xưa, nhưng đã quá muộn. Mẹ đã đi xa rồi! Giỗ mẹ, chị em tôi về quây quần trong ngôi nhà cũ, nấu nhiều món ăn cúng mẹ. Thế nhưng tôi vẫn thấy thiếu cái gì đó, chắc là món cháo cóc của mẹ ngày xưa, món ăn đã nuôi sống cả nhà tôi. Chiều nay nghe ngoài phố tiếng rao bán cóc vàng, lòng tôi lại nhói lên, nhớ mẹ và món ăn của tình yêu thương.

Theo Báo PN