Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài học yêu thương


Mẹ luôn đối xử với con thật nghiêm khắc. Và mẹ nghĩ đó mới chính là yêu thương con. Bởi ông bà xưa đã dạy: "Thương cho roi cho vọt" mà.

Mẹ có thể la con vì bất cứ lỗi nhỏ nào: con đái dầm ra quần, con quên rửa chén bát sau khi ăn cơm, con ngủ dậy muộn... Mẹ la con khi con nhận một điểm xấu, khi con chơi sai một nốt đàn, khi con sợ hãi bóng đêm. Trong mẹ khăng khăng một ý nghĩ: "Con lớn lên phải là một người đàn ông mạnh mẽ, bản lĩnh, vững vàng. Con sẽ phải là chỗ dựa của mẹ".

Có phải vì thất bại trong cuộc sống chung với ba con mà mẹ thành người như thế? Mẹ mệt mỏi khi ba con yếu đuối, mẹ chán nản khi ba con nhu nhược, mẹ ngán ngẩm khi ba con tự ti và an phận. Ba mẹ ly hôn khi con chỉ mới tròn một tuổi. Con còn như tờ giấy trắng và mẹ muốn viết lên đó những ước mong của mẹ. Mẹ muốn con lớn lên phải hoàn toàn khác ba con, phải là một người đàn ông thực sự.

Ảnh minh họa.

Chia tay ba con, mẹ dọn phòng làm việc của ba con và đưa con vào đó. Đêm đầu tiên ngủ xa mẹ, con rơm rớm nước mắt. Mẹ cũng thắt lòng. Nhưng mẹ nghĩ: phải dạy con trở thành đàn ông ngay từ bây giờ. Con sẽ không là thằng con trai "bám váy mẹ" như nhiều cậu con trai một được nuông chiều, như nhiều cậu con trai có cha mẹ ly hôn, lúc nào cũng nhạy cảm và mong manh... Con một tuổi, mẹ bắt đầu "tôi rèn" con trong kỷ luật.

Con trai của mẹ rất giỏi. 10 tuổi, con hiểu rất rõ những mệnh lệnh "không" của mẹ. Con biết tự lo bữa trưa cho mình khi mẹ vắng nhà. Con biết pha nước cam cho mẹ uống, biết đi ra đầu đường mua phở cho mẹ ăn khi mẹ sốt. Con trở thành một chàng trai từ tuổi nào, mẹ không nhớ rõ.

Rồi có một lần, con đi học về, người bừng bừng sốt. Mẹ cho con uống thuốc, con mát, rồi lại nóng, mát rồi lại nóng. Qua đến ngày thứ hai con không còn sốt nhiều, nhưng cứ nằm yên một góc giường. Hễ thấy mẹ có vẻ lo lắng là con trấn an: "Con chỉ mệt chút xíu thôi mẹ. Con sẽ dậy học bài bây giờ". Nhưng con vẫn không dậy. Mẹ đưa con đi bác sĩ, thử máu, xét nghiệm, bác sĩ bảo: "Sốt siêu vi thôi!". Mẹ thở phào hỏi ngay: "Có đi học được không?" "Được chứ!" Cậu bác sĩ trẻ của một bệnh viện tư nhân vô tư trả lời. Mẹ yên tâm dẫn con ra về, bàn tay con trong tay mẹ âm ấm mố hôi.

Ngày thứ tư, mẹ đi làm về, con vẫn nằm. Thấy mẹ, con vẫn cố nhỏm dậy : "Con khỏe rồi mẹ". Mẹ nhắc con học bài, nhắc con... đừng nhõng nhẽo. Con cố ngồi lên, rồi lại nằm. Mẹ... thấy bực. Mẹ nghĩ con lười! Bác con đến thăm con. Bác xốc con dậy, mang đến Bệnh viện Nhiệt Đới. Con đã không thể đi nổi, đặt đâu là nằm xoài xuống đó, cả trên nền gạch mà vốn thường ngày con hay sợ dơ. Bác sĩ trực đo nhiệt độ, ấn bụng con, rồi nói: "Đưa vào phòng cấp cứu ngay". Mẹ bàng hoàng, choáng váng nghe thoang thoáng lời bác sĩ: "Sốt xuất huyết, gan sưng to, tràn dịch...". Y tá đẩy con vào phòng cấp cứu, mẹ đứng ngoài cửa, tưởng như người ta vừa dứt cuộc sống ra khỏi cơ thể mẹ, trống rỗng. Con không còn gượng cười được nữa, chỉ đưa đôi mắt thất thần nhìn mẹ. Con nhỏ xíu trên cái băng ca trắng mênh mông. Bác sĩ bảo đưa đến muộn là con "đi". Mẹ nghe mà tưởng trời đất sụp đổ...

Tất cả mọi người nhà của các bệnh nhân cấp cứu đều ra phòng chờ. Mẹ không đi được khỏi cánh cửa mà sau đó đang là con, là một mình con trai bé nhỏ của mẹ đang chống chọi với cái chết. Nửa đêm, trời đổ mưa to, mẹ nép mình trên mẩu ban công bé xíu. Chợt cánh cửa phòng cấp cứu hé mở. Rồi một cô y tá ló đầu ra, nhìn mẹ chăm chú. Cô hỏi: "Chị là mẹ bé T.?". Mẹ gật đầu mà nghe lạnh hết từ đầu đến chân. Cô y tá nhoẻn cười: "Bé T. vừa hỏi em: "Mẹ con ngoài kia có chỗ trú mưa không cô?". Em đã nói bé là mẹ có phòng chờ ngoài cổng, nhưng bé không tin. Nó nói: "Mẹ nhất định là sau cửa ấy. Cô ra nói với mẹ, con không sao giùm con đi". Nước mắt mẹ chảy tràn. Ôi con trai bé nhỏ của mẹ. Ôi người đàn ông tí hon của mẹ. Trên giường cấp cứu còn lo mẹ ướt, lo mẹ không có chỗ ngủ. Và làm sao con có thể biết được là mẹ không rời cánh cửa này? Làm sao con cảm nhận được mẹ? Làm sao con vượt qua những nghiêm khắc của mẹ để yêu thương mẹ đến như thế?

Cánh cửa phòng cấp cứu đã đóng lại, mẹ vẫn đứng yên lặng run rẩy. Nhưng mẹ không nghe cô đơn, không nghe trống rỗng nữa. Lần đầu tiên sau 9 năm trời, kể từ khi mẹ và ba con xa nhau, mẹ cảm thấy mình hoàn toàn không cô đơn. Bởi mẹ biết, từ con tới mẹ, từ mẹ tới con có một sợi dây vô hình, một sợi dây ràng buộc vững chắc, mạnh mẽ, không điều gì có thể làm đứt nổi. Mẹ biết mẹ không chỉ dạy con, "tôi rèn" con mà mẹ cũng đang được học những bài học yêu thương mới mẻ cùng với con.

Theo PNO