Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đi xa, phụ nữ mang thai nên chú ý


Đi xa khi mang thai, chị em cần được bác sĩ sản khoa tư vấn. Phương tiện di chuyển tốt nhất là tàu, ô tô, máy bay. Cần mang theo thuốc, hồ sơ khám bệnh dự phòng khi cần.

Theo các bác sĩ sản khoa, đối với bà bầu, quãng thời gian lý tưởng nhất cho những chuyến đi xa là giai đoạn giữa thai kỳ, từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6.

3 tháng đầu bạn thường nghén, mệt mỏi, phôi thai bắt đầu được hình thành, chưa bám chắc vào nhau nên dễ bị sảy. Hơn nữa đây là giai đoạn hình thành các cơ quan quan trọng nhất của một con người nên tối kỵ dùng thuốc, mà đi xa thì mọi biến cố đều có thể xảy ra, lỡ bạn phải dùng đến thuốc.

3 tháng cuối cũng là quãng thời gian thai nhi to lên rất nhanh, làm cho bạn nặng nề và khó di chuyển, hơn nữa vì một lý do nào đó bạn lại đẻ sớm thì việc đẻ ở một nơi hoàn toàn xa lạ là cả một vấn đề phức tạp. Vì vậy, thời gian này nên tĩnh dưỡng để lấy sức cho ngày "khai hoa" nên các bác sĩ sản khoa cũng khuyên phụ nữ mang thai không nên đi xa vào giai đoạn này.

Bạn cũng không nên đến những vùng có độ cao trên 3.000 m hoặc những vùng đang có dịch bệnh lưu hành. Nếu thai kỳ của bạn diễn biến bất thường hoặc bạn mắc một bệnh nào đó trong thời gian mang thai thì tuyệt đối không nên đi xa.

Hành trang cho những chuyến đi xa

Sau khi được sự đồng ý của bác sĩ sản khoa và đã cân nhắc kỹ lưỡng, bạn quyết định đi thì bạn cần chuẩn bị thật tỉ mỉ cho chuyến đi xa. Ngoài việc chuẩn bị những thứ trước khi đi xa như mọi khi, bạn cần chuẩn bị những thứ riêng cho tình trạng mang thai của mình như lựa chọn phương tiện di chuyển.

Phụ nữ mang thai tốt nhất nên di chuyển bằng máy bay hoặc tàu hỏa, không nên đi xe máy.

Bổ sung thực đơn, có những hãng hàng không có quy định và chế độ chăm sóc đặc biệt cho các bà bầu trong các chuyến bay của họ, tuy nhiên cũng có hãng còn chưa có.

Vì vậy, bạn cần hỏi kỹ trước khi lên máy bay, nếu hãng không có chế độ chăm sóc bà bầu, thì bạn phải tự lo cho mình như đặt chỗ ngồi trên máy bay gần lối đi, gần nhà vệ sinh mang theo các thức ăn bổ sung (sữa, hoa quả, thức ăn vặt...).

Trong suốt chuyến đi bạn cũng phải luôn bổ sung thực đơn trong các bữa ăn hằng ngày và không quên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Mang theo một số thuốc dự phòng đau ốm cùng với thuốc bổ thai, nhưng phải hỏi kỹ bác sĩ xem những loại thuốc dự phòng đó có dùng được cho phụ nữ mang thai không, đọc kỹ tờ hướng dẫn trước khi sử dụng các loại thuốc.

Mặc quần áo rộng , thoáng, thấm mồ hôi, nên mặc váy cho tiện đi vệ sinh, không nên mặc quần yếm. Đi dép thấp, vừa chân, không trơn, chắc chắn đề phòng hỏng dép giữa đường. Thậm chí có thể mang cả bỉm, một cuộn giấy vệ sinh bỏ lõi cứng, bô tự chế để bạn không phải nhịn đi tiểu trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Tránh đi nhiều quá hại cho thai nhi, nhưng quá tĩnh tại cũng không tốt cứ khoảng 1-2 giờ phải đứng lên vận động cho đôi chân cũng như tranh thủ gác chân lên cao khi có thể, phòng tránh chân bị tê cứng, phù...

Luôn mang nước bên mình để tránh bị thiếu nước, mang theo máy nghe nhạc mini hoặc một cuốn sách nhỏ để thư giãn bất cứ lúc nào, tránh căng thẳng.

Trước khi đi, nên xem lịch làm xét nghiệm tiền sản của mình có trong thời gian đó không. Tốt nhất nên hoàn thành các đợt xét nghiệm bắt buộc và đợi kết quả an toàn trước khi đi. Mang theo toàn bộ hồ sơ thai sản, bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch... khi đi xa.

Theo Đại Đoàn Kết