Nhiều năm nay, các cháu mẫu giáo của xã Thọ Vinh (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) đều phải học nhờ nhà văn hoá thôn hoặc nhà dân. Các địa điểm này đã xuống cấp, không đủ chất lượng để nuôi dạy trẻ. Xã Thọ Vinh có 8 thôn thì cả 8 thôn đều chưa có nhà mẫu giáo. Hơn 200 cháu phải học nhờ nhà dân và nhà văn hóa xã. Tại thôn Tây Thịnh (xã Thọ Vinh), lớp học của cô và trò được tổ chức trong một ngôi nhà cấp 4 cũ nát vốn là nhà của một hộ dân không có nhu cầu sử dụng. Gian buồng chưa đầy 15 m2 được tận dụng là nơi trông giữ 13 cháu. Chật chội, dột nát, không công trình vệ sinh, không nước sinh hoạt... Lớp mẫu giáo của thôn Tây Thịnh, xã Thọ Vinh. Ảnh: Ngọc Bích Chị Lê Thị Hiền, giáo viên trông giữ nhóm trẻ ở đây, cho biết: "Ngày nào cũng phải đi xin nước cho các cháu vệ sinh cá nhân. Phụ huynh thấy nhà trẻ chật chội cũng không dám gửi con, nên lớp cũng vắng dần". Năm học này, lớp mẫu giáo thôn Tây Tiến phải học nhờ trong nhà văn hoá thôn vốn đã có tuổi đời 40 năm. Khung nhà làm bằng gỗ đã bị mối ăn toàn bộ. Mái ngói dù nhiều lần được gia cố song mỗi khi trời mưa thì cô trò ở đây vẫn phải dừng việc học để đi trú mưa trong các nhà dân. Bà Bùi Thị Nga, có cháu học ở lớp mẫu giáo tại đây, lo lắng: "Không gửi cháu thì không có người trông trẻ, nhưng cứ ngày mưa thấy lớp học dột nát thật đáng sợ". Cách đây vài năm, đã có dự án xây dựng cho xã Thọ Vinh 16 phòng học, trong đó có 10 phòng mầm non, nhưng đến nay mới chỉ xây được 6 phòng cho trường tiểu học. Cuối 2009, trước nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân, xã tiếp tục kiến nghị lên UBND huyện. Đồng thời, xã dành hơn 3.000 m2 đất để xây dựng trường mầm non, thuê đơn vị thiết kế và báo cáo lên huyện. Thế nhưng, mãi cuối 2009 mới bắt đầu đổ cát và dự định cuối 2010 mới bắt đầu khởi công. Lý do chậm khởi công, theo UBND xã, là không có kinh phí. Bà Nguyễn Thị Vạn, Hiệu trưởng trường mầm non xã Thọ Vinh, cho rằng hệ thống cơ sở vật chất của các lớp học mẫu giáo xuống cấp trầm trọng không thể đáp ứng nhu cầu dạy học tối thiểu chứ chưa nói đến việc nâng cao chất lượng và đổi mới chương trình giáo dục mầm non như yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Trong khi ngành học mầm non được coi là nền tảng cho giáo dục sau này thì việc cho trẻ học ở những lớp thiếu thốn như ở xã Thọ Vinh ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng nhận thức và phát triển toàn diện của trẻ. Theo Báo Đất Việt |