Giúp trẻ tự kỉ thế nào cho phù hợp ? Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu, ConCủaMẹ.com Trước tiên, xin cùng hiểu về từ "chữa trị" mà chúng tôi sử dụng trong website này. Thông thường, các bác sĩ y khoa sử dụng thuốc hay các phương cách y học để loại trừ biểu hiện bệnh, tiêu diệt bệnh. Dù có những căn bệnh hiểm nghèo đưa đến tử vong, các phương cách y học và y dược vẫn được sử dụng cho đến giai đoạn cuối. Trong khi đó, TK là chứng rối loạn không sử dụng đến y dược hay phương cách y học nhằm loại trừ bệnh. [Nói đến TK là nói đến nhiều ý kiến phương pháp khác nhau. Cũng có chuyên gia quan niệm rằng TK không thể chữa khỏi hẳn được. Quan niệm của chúng tôi là không bác bỏ một phương pháp nào, mà nên đưa ra nhiều ý kiến khác nhau để phụ huynh tự quyết định. Trần Kim Xuyến.] Vì thế, trong đa số trường hợp, động từ "giúp đỡ," "hỗ trợ," "dậy," hay "huấn luyện" diễn tả chính xác hơn về công việc mà các chuyên viên thực hiện với một người mang rối loạn TK. Các nhà nghiên cứu và chuyên môn đồng ý rằng phương pháp hỗ trợ dành cho các bệnh nhân TK cần chú trọng mảng ngôn ngữ, hành vi, và học vấn. Mảng học vấn đặt ở vị trí thứ ba không phải vì các em TK không cần đến kiến thức, hay vì các em không có khả năng học. Một em học sinh cần hiểu và sử dụng ngôn ngữ để truyền thông nếu muốn tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, hành vi cư xử phải ổn định để quá trình truyền dậy kiến thức có thể thành công. Nói nôm na, một em bé cần hiểu tiếng nói, cần nói (dù bằng lời, bằng chữ, hay bằng hình ảnh), cần cư xử ngoan ngoãn mới có thể đến trường. Tại trường, một trẻ TK đôi khi còn cần đến sự giúp đỡ của chuyên viên vật lý trị liệu nếu em yếu khả năng đi đứng, chạy nhảy. Một em khác có thể phải học cầm bút, cầm đũa muỗng, cầm kéo với occupational therapist. Đây cũng là chuyên viên huấn luyện để các em bớt nhạy cảm với âm thanh, tăng độ nhậy cảm với các nỗi đau thể lý. Một số em TK kén ăn vì không thích nhai nếm một số loại thức ăn nào đó, các occupational therapist sẽ giúp các em giảm độ nhạy cảm với vị giác này. Vì mỗi em TK là một thế giới riêng, kế hoạch giáo dục và hỗ trợ mỗi em cần được hoạch định dựa trên điểm mạnh và yếu của mỗi em thay vì sử dụng một giáo trình cho tất cả. Kế hoạch giáo dục này là kết quả của những lần họp bàn giữa các bác sĩ, chuyên viên, và phụ huynh. Một kế hoạch giáo dục hiệu quả là kế hoạch được cập nhật thông tin về khả năng của các em ít nhất một năm một lần. Ngoài ra, việc chữa trị và hỗ trợ một em TK không chỉ là chuyên viên làm việc với cá nhân em. Khi quá trình này mang mục đích giúp em sống với gia đình và xã hội một cách thành công như em có thể, quá trình này phải chạm đến gia đình nhỏ của em gồm cha mẹ, anh chị em; gia đình lớn của em với ông bà nội ngoại, cậu dì cô bác, anh chị em họ; xã hội nhỏ chung quanh em như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ và của em, cô bán hàng đầu ngõ, chú lái taxi; và xã hội lớn ngoài kia với quán chợ, tiệm ăn, bệnh viện... Thái độ thông cảm và chấp nhận của người chung quanh rất quan trọng đối với mức thành công của một cá nhân TK đang cố gắng thoát khỏi những bế quan của chính mình để đến với xã hội.
|