Phụ huynh không tiếc tay chi tiền năm học mới Với nhiều gia đình, chi tiền triệu đầu năm học mới cho con cũng là một nỗi lo lớn, thế nhưng, nhiều phụ huynh lại sẵn sàng trả vài triệu cho các khoản đóng góp của nhà trường với hy vọng con mình được học tập tốt hơn. Trường mầm non Hoa Anh Đào- ảnh từ trang web của trường. Tốn tiền từ bậc mẫu giáo Là một cô giáo, chị Hà (tên nhân vật đã được thay đổi) hiểu hơn ai hết môi trường học tập và sinh hoạt quan trọng đối với trẻ em từ lứa tuổi mẫu giáo. Trường tư thục ngay gần nhà có cơ sở vật chất vào loại tốt nhất gần khu vực sinh sống là khu Mỹ Đình, có sân chơi rộng rãi, sàn nhà lớp học lát gỗ nên chị quyết định đầu tư cho đứa con đầu lòng năm nay hơn 3 tuổi. Mặc dù thu nhập của chị cỡ 10 triệu một tháng, nhưng chị vẫn "choáng" với khoản tiền nhập học mầm non của Trường MN Hoa Anh Đào. Trước tiên là khoản tiền xây dựng cơ sở vật chất 2,5 triệu/năm. Tiền học phí 2,2 triệu một tháng. Tiền học tiếng Anh 250 ngàn/tháng, tiền học võ, vẽ khoảng từ 100 đến 150 ngàn/tháng mỗi môn. Ngoài ra, bảo hiểm y tế bắt buộc là 155 ngàn, bảo hiểm thân thể 50 ngàn/năm. Trường mầm non thực nghiệm Hoa Hồng cũng có khoản tiền xây dựng trường đáng kể: 1 triệu đồng/năm. Nếu gia đình nào có con ba tuổi nhập học và dự định học 3 năm mẫu giáo thì đóng luôn tiền xây dựng trường từ khi nhập học cho 3 năm là 3 triệu đồng. Chưa kể tiền ăn, học thêm các môn phụ như võ, vẽ, múa... là 1 triệu/tháng cho lớp thường và khoảng hơn 1,6 triệu/tháng cho lớp chọn. Cho con đầu lòng vào lớp 1, chị Vân, một công chức nhà nước chính hiệu, thu nhập một tháng khoảng 3 triệu nhưng may mắn phụ chồng buôn bán cũng khấm khá, nên chị cũng bớt căng thẳng khi đóng tiền nhập học cho con gần 1,2 triệu tiền xây dựng trường và đồng phục, tiền học bán trú gần 400 ngàn đồng, tiền bảo hiểm y tế bắt buộc 184 ngàn, bảo hiểm thân thể 50 ngàn (tự nguyện), tiền học tiếng Anh hoặc các môn phụ (50 ngàn/tháng mỗi môn). So với những trường công khác chỉ đóng vài trăm ngàn, chị cũng coi mình thuộc hàng "nhà giàu", vì không xoay xở mà trông vào lương nhà nước thì tiền học cho một đứa con đã gần hết tháng lương. Đứa thứ hai nhập học mẫu giáo gần nhà, không phải đóng góp nhiều như Trường Hoa Anh Đào, nhưng tính tổng chi phí nhập học cho hai con đã "đi đứt" hơn tháng lương của chị. Phụ huynh có nhận ra các khoản thu bất hợp lý? Và một điều rõ ràng, những gia đình có thu nhập khiêm tốn thì cho con học những trường trên quả là vấn đề nan giải, nhất là khi có hai con đi học. Một phụ huynh nhận xét: Chịu các khoản đóng góp cao không phải lúc nào cũng là tiêu cực, nhiều khi đó chính là mong muốn của phụ huynh, vì mong muốn con mình được học trong điều kiện tốt nhất. Tuy nhiên, có thể trong một lớp không phải gia đình nào cũng có điều kiện giống nhau, nên khi đại đa số gia đình khá giả có chấp nhận chi lớn thì cũng có thể khiến cho các phụ huynh khó khăn khác phải "gồng mình" lên. Chẳng hạn như trường tiểu học Hoàng Diệu năm ngoái, ban phụ huynh của lớp một đã hô hào đóng góp mỗi em HS 2 triệu đồng để mua laptop cho cô giáo, mua máy chiếu, bàn ghế, điều hòa. Phụ huynh một em học sinh cũng hoan hỉ đóng theo, nhưng trong lòng vẫn thắc mắc tại sao một trường chuẩn quốc gia lại không có tiền sắm bàn ghế cho HS, lại phải nhờ đến phụ huynh học sinh đóng góp? Tuy nhiên, tâm sự, thắc mắc của chị cũng chẳng biết ngỏ cùng ai? Đó là chưa kể, chị cũng đồng ý cho con học tiếng Anh tại trường, chương trình liên kết giữa trường và trung tâm ngoại ngữ Language Link, tuy nhiên, sau khi học một năm hết hơn 300 đô la, cuối năm chị kiểm tra con gần như không nhớ nổi từ nào. Trong khi đó, chị gửi con đi học ở một trung tâm tiếng Anh khác, chỉ học hai tháng cháu đã nói được rất nhiều. Chị cho biết, năm nay nhà trường có tổ chức học thì chị cũng kiên quyết không cho con học tiếng Anh ở trường nữa. Chị mong rằng, với những chương trình liên kết với các trung tâm ngoại ngữ nào đó, sau mỗi kỳ học cần phải có đánh giá xem có hiệu quả không và phụ huynh có đồng ý cho học tiếp không thì nhà trường mới nên tổ chức học. Một phụ huynh bộc bạch, dù biết rằng việc đóng góp cho các hoạt động của nhà trường được nhiều gia đình khá giả ủng hộ, nhưng có lẽ không nên kêu gọi đồng loạt vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện như nhau. Nhà trường cần có sự sáng tạo trong xã hội hóa giáo dục, chứ không nên chỉ biết kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Theo Vietnamnet |