Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường tiểu học tại TP HCM: Nơi thừa, nơi thiếu


Năm học mới vừa bắt đầu, thế nhưng đến thời điểm này, nhiều trường tiểu học tại TPHCM đang rơi vào tình trạng nơi thừa, nơi thiếu học sinh.

Có mặt tại trường tiểu học Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TP HCM) trong ngày học đầu tiên sau buổi khai giảng, đập vào mắt chúng tôi là cảnh học sinh ngồi chen chúc trong lớp học.

Chỗ chen chúc, chỗ đìu hiu
Theo quan sát, mỗi lớp học tại đây đề sĩ số trung bình 45 - 50 học sinh, có lớp lên tới gần 60 học sinh. Tương tự, tại trường tiểu học Lê Lai (quận Tân Phú), sĩ số trung bình mỗi lớp vào khoảng 53 - 54. Đồng cảnh ngộ, nhiều trường khác như: tiểu học Bàu Sen (quận 5), tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1)... cũng có sĩ số trung bình 45 - 50 học sinh.

Lý giải về việc sĩ số học sinh mỗi lớp đều vượt quy định của ngành, nhiều trường cho biết, dù đã có sĩ số trung bình từ 40 - 45 học sinh nhưng vẫn phải nhận thêm học sinh vì các em đều có hồ sơ "đúng tuyến", "đủ tiêu chuẩn"...

Học sinh Tiểu học Lương Thế Vinh (TP HCM) trong ngày khai giảng Ảnh: Quốc Hải.

Ngược lại với tình trạng trên, vẫn có nhiều tiểu học phải "đỏ mắt", thậm chí xé rào "trái tuyến" để tuyển sinh mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Tại trường Lý Thái Tổ (quận 8), năm học này sĩ số trung bình mỗi lớp chỉ khoảng trên dưới 30 học sinh. Ông Trần Văn Giàu, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: "Do hệ thống phòng học đã quá chật chội, xuống cấp, mưa lớn là bị dột, thêm vào đó trường lại không có sân chơi nên mỗi năm lượng học sinh đăng ký học càng ít đi".

Những trường xuống cấp không có học sinh còn dễ hiểu, nhiều trường đạt chuẩn mà vẫn không lấy đủ chỉ tiêu mới là vấn đề và tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1) là một ví dụ điển hình. Mặc dù được đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang, thế nhưng sĩ số học sinh cũng chỉ trên dưới 30 em...

Tâm lý 'sính' trường nổi
"Tâm lý trường điểm, lớp chọn vẫn còn ăn sâu trong tâm lý của các bậc phụ huynh, đó chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng phân bổ học sinh không đồng đều giữa các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Do vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngành giáo dục thành phố đang nỗ lực nghiên cứu, tìm giải pháp để xóa bỏ những quan niệm này của các bậc phụ huynh", một cán bộ thuộc Sở GD-ĐT TP HCM cho biết.

Không ít người cho rằng, lớp kém nhất của trường điểm, trường công lập vẫn "ăn đứt" lớp khá giỏi của trường không có tiếng tăm hay dân lập bình thường. Vì vậy, mặc dù đã ra sức "chiêu hiền đãi sĩ" nhưng nhiều trường tiểu học nhỏ, trường tự chủ tài chính... vẫn phải chịu cảnh thiếu học sinh.

Anh L.V. Thành (phụ huynh có con học tiểu học Lê Văn Sỹ), tâm sự: "Mình là dân gốc thành phố, thế nên bằng mọi cách phải "chạy" cho con được học tại các trường có tiếng một chút, chứ không thì... khó coi lắm". Cũng như anh Thành, nhiều bậc phụ huynh khi tìm hiểu chọn trường tiểu học cho con đều nhắm vào các trường điểm, trường đạt chuẩn cấp thành phố, cấp quốc gia trở lên. Còn các trường đạt chuẩn cấp quận thì chỉ là ưu tiên thứ yếu.

Theo Báo Đất Việt