Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi nào cần đưa trẻ đi điều trị về ngôn ngữ ?


Nhiều người khi biết con mình gặp khó khăn về ngôn ngữ thì đã quá trễ hoặc lo lắng thái quá. Dưới đây là chỉ dẫn của khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng I, nhằm giúp các bậc phụ huynh phát hiện những dấu hiệu báo động cần được điều trị trước khi quá muộn. Từ lúc sinh đến 6 tháng tuổi, một đứa trẻ bình thường sẽ biết bập bẹ phát âm. Người thân cần nói một cách êm ái và nồng nàn với bé. Luôn luôn cười với bé. Giải thích những tiếng động mà trẻ nghe thấy, gọi tên các đồ vật trong nhà và trò chuyện với bé. Báo động: Nếu bé không phản ứng với tiếng động, cần xem bé có nghe rõ không hoặc qua ánh mắt bé, thấy bé không tìm cách giao tiếp với bạn. 18 tháng: Bé hiểu những câu ngắn đơn giản, ngoài từ “ba, mẹ”, từ vựng của bé dồi dào hơn. Bạn cần nói chuyện với bé bình thường bằng những từ đơn giản nhưng không được đơn giản hóa. Cho bé xem những cuốn sách bằng bìa cứng, những cuốn tạp chí có hình thể, màu sắc sinh động. Kể chuyện cho bé nghe. Báo động: Nếu sự phát triển ngôn ngữ của bé có dấu hiệu ngưng đột ngột hoặc bị thoái lui thay vì sự phát triển đi lên. 2 tuổi: Bé hiểu được những mệnh lệnh phức tạp. Bé biết nói tên bé, biết phối hợp 2-3 từ thành câu ngắn. Nên làm giàu từ vựng của bé qua các tình huống giao tiếp, giải thích cho bé những từ bé chưa hiểu. Nếu bé phát âm không đúng, bạn hãy phát âm đúng nhưng không bắt bé lặp lại. Báo động: Từ vựng của bé ngoài tiếng “ba, mẹ”, bé chỉ hiểu được vài từ khác. Bé chưa biết phối hợp 2 từ để cấu thành những câu nhỏ. 4 tuổi: Trẻ nói không lỗi văn phạm và cú pháp trầm trọng. Bạn hãy kể và cùng trẻ đọc truyện, nhằm phát triển ước muốn đọc sách và giúp trẻ dễ dàng học ngôn ngữ viết sau này. Báo động: Nếu thấy trẻ khó bắt đầu làm câu, lặp lại âm hoặc từ. Những câu của trẻ ngắn và có cấu trúc sai. Không phải lúc nào cũng hiểu được điều trẻ nói. Trẻ khó khăn khi kể lại những sự việc đơn giản mới xảy ra. (Thanh Niên)