Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TP. Hồ Chí Minh: “Bát nháo” đồ chơi trẻ em trước giờ G


Dạo qua một số trung tâm thương mại và cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh, cảnh "bát nháo" về nhãn mác và chất lượng của các mặt hàng này vẫn diễn ra nhan nhản khi mà thời điểm đồ chơi trẻ em bắt buộc phải gắn dấu hợp quy CR chỉ còn đếm từng ngày (bắt đầu từ 15-9).

Từ ngày 15-9, tất cả các đồ chơi trẻ em không dán nhãn CR sẽ bị tịch thu

"Đồ chơi Trung Quốc rẻ, bắt mắt, mẫu mã đa dạng nên dù biết không tốt nhưng nhiều phụ huynh vẫn tìm mua", bà Lê Thị Nga, chủ một tiệm đồ chơi trẻ em tại chợ Bà Chiểu nói. Hiện nay, đồ chơi Trung Quốc có giá rẻ hơn hàng sản xuất trong nước từ 30% - 50% nên thu hút được nhiều khách hàng quan tâm. Đa số hàng không nhãn mác được bày bán công khai tại các chợ Bình Tây, An Đông, Bà Chiểu và các cửa hàng đồ chơi tự phát xung quanh các khu chế xuất và khu công nghiệp. Gần đây, hàng Trung Quốc còn được "tiếp thị" dọc các tuyến đường nội thị đông người qua lại, đặc biệt là tại các giao điểm ngã 3, ngã 4 cạnh đèn tín hiệu giao thông. Chị Thắm (quận Bình Thạnh) kể: "Bữa trước đi làm về qua ngã tư Điện Biên Phủ và Hai Bà Trưng (quận 1), nhìn thấy bày bán xe tăng mini biết lộn đầu khi có vật cản tôi đã mua về cho con chơi. Vài ngày đồ chơi hết pin, tui mang ra cửa hàng thay mới biết là hàng sản xuất từ Trung Quốc".

Bà Phan Nữ Nhật Minh, Phó ban Tuyên giáo Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Thời gian qua, Hội đã cùng với các cấp hội cơ sở tuyên truyền cho các hội viên cẩn trọng với các đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm... bày bán dọc đường, không rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho các em học sinh khi sử dụng các loại đồ chơi này". Việc tuyên truyền sẽ giúp các bậc phụ huynh cảnh giác với các khả năng gây nguy hiểm (chất liệu, mục đích đồ chơi) khi mua đồ chơi cho con em.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, các loại đồ chơi giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem nhãn theo quy định thường được làm từ những nguyên vật liệu kém chất lượng, kéo theo đó là mức độ an toàn cho trẻ cũng rất thấp. Theo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, hiện trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm kém chất lượng như vậy. Vừa qua, Trung tâm đã kiểm nghiệm và phát hiện một số mẫu xe tập đi cho trẻ không phù hợp quy định về an toàn cơ lý như độ sắc cạnh, khe hở, phanh... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trưởng thành và phát triển về cơ xương của trẻ.

Ngoài ra, điểm chung của đồ chơi tự chế, đồ chơi nhập lậu là không có tem nhãn hợp chuẩn, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, theo quy định mới, chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã có chứng nhận hợp chuẩn và gắn dấu CR (dấu chứng nhận sản phẩm đồ chơi an toàn cho trẻ em). Như vậy, tất cả các loại đồ chơi không đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ bị thu giữ bất kể lý do.

Bắt đầu từ 15 - 9, các loại đồ chơi trẻ em bắt buộc phải có nhãn hàng hóa mới được lưu thông trên thị trường. Cụ thể, đối với hàng sản xuất trong nước phải ghi nhãn tiếng Việt; ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Đồ chơi nhập khẩu phải ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối. Ngoài ra, nhãn đồ chơi dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước đều phải đảm bảo các thông tin: Tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, thành phần, thông số kỹ thuật, thông tin - cảnh báo vệ sinh an toàn, hướng dẫn sử dụng.

Đây là những quy định hết sức khắt khe, tuy nhiên trong công tác quản lý đòi hỏi sự quyết liệt của các cơ quan chức năng mới chấn chỉnh được tình trạng "bát nháo" về nhãn mác và chất lượng sản phẩm như hiện nay trên địa bàn thành phố.

Theo Báo Đại Đoàn Kết