Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thờ ơ với sư phạm?


Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngành sư phạm thu hút khá đông thí sinh hằng năm. Điểm đầu vào các trường sư phạm những năm 1998, 1999, 2000... tương đối cao so với các trường khác.

Nhưng những năm gần đây, kể cả năm nay, điểm xét tuyển vào các trường sư phạm tương đối thấp. Ngay cả ở những trường ĐH sư phạm danh tiếng, nhiều ngành điểm chuẩn cũng chỉ bằng điểm sàn.

Số lượng thí sinh nộp hồ sơ thi vào sư phạm cứ ít dần. Xét về phía gia đình, phụ huynh không muốn con mình thi vào sư phạm, bởi đơn giản các ngành khác dễ tìm việc hơn, lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến và chưa kể một số thuận lợi khác.

Về phía xã hội cũng tác động mạnh đến yếu tố chọn nghề sư phạm của tuổi trẻ hôm nay. Đó là còn có tình trạng chưa giải quyết được việc làm cho nhiều sinh viên sư phạm ra trường, thậm chí là những sinh viên khá, giỏi; phân bổ nhiệm sở còn nặng về chủ quan, quen biết, thiếu công bằng (có trường hợp tốt nghiệp ĐH tại chức, chuyên tu vẫn được phân công dạy THPT trong khi sinh viên tốt nghiệp sư phạm phải chờ); chưa thực sự phát hiện, bồi dưỡng và có chế độ ưu đãi đối với những giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Các yếu tố về đời sống, kinh tế cũng tác động không nhỏ đến tâm tư đội ngũ làm nghề giáo.

Phải nói có rất nhiều lý do làm cho tuổi trẻ ngày càng ít mặn mà với nghề giáo. Vì vậy, nhiều học sinh giỏi chọn nghề khác để lập nghiệp, lập thân là điều đương nhiên. Đó cũng là quy luật của cuộc sống.

Thực tế nói trên đòi hỏi xã hội phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của một nghề vốn được xem là thầy của các nghề. Biết rằng nghề dạy nghề, quen tay hơn hay làm nhưng cái chính là ở chỗ chiều sâu công việc.

Làm thầy không chỉ xong việc mà đòi hỏi phải tâm huyết, tận tâm và có ý chí, lý tưởng vì sự nghiệp. Thử hỏi, không có nguồn nhân lực giỏi thì lấy đâu ra những giáo viên giỏi và không có những giáo viên giỏi thì làm sao có nhiều trò giỏi. Muốn giải bài toán này, trước hết, không thể không nhìn vào đội ngũ sinh viên sư phạm. Vì thế, một chiến lược căn cơ về tuyển dụng và đào tạo đội ngũ sinh viên sư phạm là rất đáng để quan tâm đầu tư chứ không thể cứ mãi được chăng hay chớ như hiện nay.

Nước ta đang chú trọng đầu tư cho giáo dục, xem giáo dục là quốc sách, là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng đất nước phát triển. Mà mọi sự phát triển thì đều lấy nhân tố con người làm gốc. Yếu tố được xem là hạt nhân của giáo dục chính là những người thầy. Làm sao để có những người thầy không chỉ giỏi mà còn tha thiết với nghề, để chăm lo cho sự nghiệp trồng người là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành giáo dục.

Điểm chuẩn đầu vào ở các trường sư phạm thấp đang là một dấu hiệu rất đáng quan tâm khi nghĩ đến đội ngũ người thầy trong tương lai.

Đào Tấn Trực (Giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương, Tuy An-Phú Yên)
Theo Báo Người Lao Động