Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sân chơi trẻ em


Hơn 1,6 triệu trẻ em tại TP.HCM đang thiếu sân chơi trầm trọng, trong khi đó các nhà thiếu nhi (NTN) lại vắng người... Đó là một nghịch lý đáng buồn tại TP được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.

Vấn đề này vừa được đưa ra mổ xẻ tại buổi đối thoại "Nói và làm" do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP tổ chức cuối tuần qua.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho hay qua khảo sát "trẻ em hiện nay chơi ở đâu" thì có đến 69% trẻ em chơi trong nhà, 20% chơi ngoài đường phố, 7% chơi ở công viên, trẻ em ít đến vui chơi ở NTN, trong khi thực tế TP không thiếu NTN. Hiện TP có đến 23 NTN.

Mổ xẻ vấn đề, những người có trách nhiệm mới vỡ lẽ: bên cạnh một số NTN có cơ sở vật chất đang trong tình trạng xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, thì vẫn có nhiều NTN tận dụng sân chơi cho trẻ để khai thác kinh doanh, dịch vụ, như làm bãi giữ xe ô tô, cho thuê mặt bằng làm nhà hàng tiệc cưới, mở trung tâm luyện thi đại học, thậm chí dành ra vài trăm mét vuông để cho thuê bán gốm sứ (như NTN Q.Thủ Đức)... Xót xa hơn, trong đợt giám sát mới đây, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP còn phát hiện một số NTN dù được đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng nhưng chỉ để... ngó chơi! Điển hình như NTN H.Củ Chi, dù cơ sở rất khang trang nhưng cửa lúc nào cũng đóng im ỉm.

Đó là những lý do vì sao nhu cầu vui chơi của trẻ em rất lớn, nhưng các NTN chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.

Còn ở công viên thì sao? Xin thưa, chủ yếu chỉ dành cho người lớn! Hầu hết các công viên chủ yếu trồng cỏ, đặt ghế đá cho người lớn ngồi dạo mát, tâm sự..., chứ ít công viên nào tận dụng mặt bằng để tạo sân chơi cho trẻ em, trong khi TP có đến 120 ha đất công viên với trên 30 công viên. Hiếm hoi lắm có Công viên Tao Đàn lắp đặt các trò chơi miễn phí cho trẻ em vì được một doanh nghiệp tài trợ 2 tỉ đồng để xây dựng, và khu vực này thường quá tải trẻ em đến chơi vào những ngày cuối tuần.

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo, hiện trẻ em TP.HCM đang có 4 cái thiếu: thời gian, chỗ chơi, đồ chơi và sản phẩm văn hóa lành mạnh. Song bà Thảo cho rằng cái thiếu lớn hơn đó chính là thiếu nhận thức đối với tầm quan trọng của sân chơi cho trẻ.

Để xóa đi những cái thiếu ấy, bà Thảo cho biết sắp tới HĐND TP sẽ đề xuất UBND TP lập quy hoạch quỹ đất, đầu tư xây dựng nhiều hơn các trung tâm vui chơi giải trí cho trẻ em; có chính sách miễn giảm thuế, xây dựng thêm những nơi chưa có nhà thiếu nhi, xây thêm một NTN TP tại Thủ Thiêm... Bên cạnh đó, TP sẽ có các giải pháp để khuyến khích sáng tác tranh ảnh, phim, sách cho trẻ em; quan tâm đầu tư đào tạo những người quản lý, hướng dẫn trò chơi cho trẻ... Đặc biệt, HĐND TP sẽ xem xét ban hành một nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách nhằm chăm lo về tinh thần và vật chất cho trẻ em TP...

Thà chậm còn hơn không. Đầu tư cho trẻ em phát triển toàn diện chính là sự đầu tư bền vững, hiệu quả và ý nghĩa bậc nhất.

Theo Thanh Niên