Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khuyến khích sử dụng rối và âm nhạc vào hoạt động làm quen văn học-chữ viết


Ngày 22-03, trường Mầm Non Họa Mi 2 – Quận 5 đã đón phòng mầm non - Sở GD&ĐT TPHCM và các Quận huyện dự chuyên đề “Làm quen văn học và chữ viết”. Đây là một chuyên đề được ngành Mầm Non thành phố thực hiện từ năm 2002  và năm nay là năm tổng kết chuyên đề.

Tiết làm quen văn học và chữ viết trở nên hấp dẫn và lôi cuốn trẻ qua câu chuyện “Ve và kiến” được kể bằng rối kết hợp với âm nhạc. Đến với câu chuyện trẻ hiểu được nội dung và nắm được tính cách của từng nhân vật trong truyện như Kiến thì chăm chỉ, cần cù, yêu lao động còn Ve ham chơi, lười biếng, mê ca hát, không siêng năng… Sau khi nghe kể chuyện, trẻ được thể hiện cảm xúc đối với nhân vật qua trò chơi đàm thoại theo vai như biết thể hiện ngữ điệu giọng, làm động tác minh họa của từng nhân vật. Kết thúc tiết học, trẻ còn được tự mình làm ra những con rối trong câu chuyện từ nguyên vật liệu mở như : hộp, đất nặn, bóng, giấy cứng, keo, ống hút, nắp nhựa, đũa tre…

Trong buổi thảo luận sau tiết học, nhiều ý kiến đã được các đại biểu đưa ra để cùng nhau rút kinh nghiệm về chuyên môn. Đánh giá chung về hoạt động, cô Nguyễn Thị Liên Hoan – Phó phòng Mầm Non Sở GD&ĐT TPHCM đã nhận xét và gợi ý: Việc giáo viên sử dụng rối và âm nhạc trong hoạt động làm quen văn học - chữ viết được khuyến khích vì nó đã tạo cho trẻ sự thích thú, hào hứng với giờ học. Tuy nhiên, câu chuyện kể nên đơn giản, không nhất thiết nhiều tình tiết. Mặt khác, đồ dùng dạy học không nên làm quá cầu kỳ mà cần đơn giản để thu hút trẻ cùng tham gia làm. Cô nên dành thời gian dạy trẻ làm rối, làm học cụ. Sản phẩm có thể không chỉnh chu nhưng điều quan trọng là trẻ đã học được nhiều kỹ năng và cảm nhận, làm quen với tác phẩm. Không chỉ sử dụng rối trong tiết dạy, giáo viên có thể dùng nhân vật rối để trò chuyện với trẻ cả trong hoạt động giáo dục, sinh hoạt hằng ngày.

   

Xem con rối của tớ có đẹp không nào!

 Trò chuyện trong vai các nhân vật.

Một điểm đáng chú ý, đó là việc đặt câu hỏi thảo luận với trẻ phải là câu hỏi mở nhằm lôi cuốn, thúc đẩy sự suy luận của trẻ, chẳng hạn: “Vì sao con thích bạn Kiến ?”, “Vì sao khi đi kiếm mồi Kiến lại đi thành đàn?”, “nếu bạn Ve chăm chỉ thì chuyện gì sẽ xảy ra?”…Trẻ sẽ trả lời theo suy nghĩ cá nhân trẻ chứ không phải theo một khuôn mẫu do cô định sẵn. Nên tránh những câu hỏi thừa kiểu như “Câu chuyện có hay không?” hay “Con có thích không?”

Giáo viên cần tránh lối dạy chỉ để trẻ biết câu chuyện hay học những bài học giáo dục mà nên hướng trẻ về cảm xúc của nhân vật, từ đó quan sát cảm giác, cảm xúc của trẻ từ câu chuyện và giáo dục tính nhân bản, cách cư xử của trẻ.

   

Nghe nhạc để chọn nhân vật ...

 Bé hoạt động trong phòng thư viện

Việc trang bị sách cho thư viện trong trường mầm non là cần thiết. Môi trường chữ cho trẻ không chỉ thực hiện trong lớp học mà khắp mọi nơi trường, có kèm hình ảnh để cho trẻ nhớ, tạo môi trường cho trẻ tự học.

Cũng cần lưu ý, đổi mới giáo dục hiện nay là đổi mới trong mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, vệ sinh; từ môi trường chơi, môi trường chữ chứ không phải chỉ đổi mới trong môi trường học mà thôi.

mamnon.com