Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thiếu trầm trọng đất xây trường học


Hà Nội mở rộng có diện tích gấp 3,6 lần so với trước song quỹ đất dành cho giáo dục vẫn rất thiếu, đặc biệt trong khu vực nội thành. Kết quả, số lượng trường học được xây dựng mới quá ít trong khi nhu cầu giáo dục lại tăng mạnh theo từng năm đã dẫn tới quá tải trên toàn bộ hệ thống.

Hà Nội đang thiếu trường học, nhất là ở tiểu học và mầm non

Khắp nơi quá tải
Kiểm tra mới đây của UBND TP tại 7 dự án phát triển khu đô thị lớn ở nhiều quận, huyện cho thấy, hầu hết các chủ đầu tư chỉ chú trọng xây dựng nhà ở để kinh doanh và cố tình phớt lờ việc xây dựng các công trình công cộng như phòng khám, nhà trẻ, trường học, bệnh viện... phục vụ các nhu cầu cơ bản của người dân sống trong khu vực.

Chẳng hạn, tại KĐT Sài Đồng, quận Long Biên mới xây được 1 trường tiểu học, còn 4 lô xây dựng trường học, nhà trẻ khác theo quy hoạch vẫn bỏ trống. KĐT Văn Quán - Yên Phúc cũng mới có 2 trường tiểu học và 1 nhà trẻ, còn 1 trường học và 1 nhà trẻ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. PGS-TS Vũ Thị Vinh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội các Đô thị Việt Nam cho biết: "Trong 9 KĐT mới mà tôi khảo sát có đến 8 khu không có chợ, 7 khu không xây được một trường công lập nào và không đâu xây bệnh viện".

Đặc biệt, ngay cả ở các khu đô thị có xây dựng trường tư thục, học phí ở các trường này lại quá cao, phần đông dân cư trong khu vực không đủ khả năng tài chính cho con theo học ở các trường này. Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng đồng tình với người dân bởi "nhiều trường thu học phí bằng USD nên không hấp dẫn phụ huynh học sinh".

Không chỉ ở các khu đô thị mới, một số phường trong khu vực trung tâm thành phố hiện vẫn chưa có trường tiểu học. Hầu như ở tất cả các buổi tiếp xúc cử tri, người dân phường Điện Biên (quận Ba Đình) đều kiến nghị được dành quỹ đất xây dựng trường tiểu học cho con em trong phường nhưng yêu cầu chính đáng này nhiều năm vẫn chưa được đáp ứng do chưa có đất quỹ trống hoặc có nhưng lại được cho là không phù hợp!

Ngoài ra, ở các quận, huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh như Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân... dù số trường học theo quy định có vẻ đủ nhưng do mức tăng dân số rất mạnh trong vài năm trở lại đây nên các trường cũng bắt đầu quá tải.

10 năm, xây dựng gần 670 trường!
Để giải tỏa "cơn khát" trường học cho Hà Nội, theo Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng), mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới cần có ít nhất từ 1-2 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, toàn thành phố xây dựng thêm 403 trường mầm non, 167 trường tiểu học, 75 trường THCS, 24 trường THPT trong giai đoạn 2010-2020.

Từ khảo sát thực trạng tại 29 quận, huyện của thành phố, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn cho rằng, khó khăn nhất hiện nay vẫn là tìm quỹ đất. Viện này cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp để xác định quỹ đất để xây dựng trường học như sử dụng quỹ đất 5% của các xã dành cho phục vụ công cộng và tận dụng quỹ đất còn trống chưa khai thác hoặc mở rộng diện tích đất, nâng tầng các trường hiện có trong khu vực nội thành. Đặc biệt, Hà Nội có thể sử dụng quỹ đất tạo ra sau khi di chuyển các cơ sở sản xuất, các trường cao đẳng, đại học trong khu vực nội thành ra ngoài để phát triển hệ thống trường học...

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu xác định diện tích bình quân 15m2/học sinh là rất khó khả thi bởi có sự khác biệt giữa quỹ đất của khu vực nội và ngoại thành. Theo từng khu vực cụ thể với những đặc điểm riêng, phải có các giải pháp rất khác nhau. Những địa điểm còn quỹ đất rộng có thể xây dựng trường với tỷ lệ diện tích trên đầu học sinh cao hơn so với quy chuẩn, nhưng những nơi khan hiếm quỹ đất thì phải có giải pháp phù hợp và cơ chế riêng.

Ở khu vực trung tâm thành phố, đại diện Sở Xây dựng khuyến nghị, thay vì chỉ cho phép xây trường cao 4 tầng, thành phố nên chủ động đề xuất xây trường cao 6 đến 7 tầng. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc dự định nâng tầng các trường trong khu vực nội thành là không khả thi. Tương tự, việc di chuyển các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành để tạo quỹ đất mới cũng rất khó khăn bởi các trường này đều thuộc Bộ GD-ĐT và một số bộ, ngành khác, không thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố.

Thực tế cũng đã chứng minh, dù chủ trương di dời các trường này đã có từ hàng chục năm nay nhưng chưa có trường nào được chuyển khỏi nội thành! Ở đây, rõ ràng có một khoảng cách rất lớn từ chủ trương tới triển khai thực tế. Thế nên, câu chuyện thiếu đất xây dựng trường học ở Hà Nội vẫn sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Theo ANTĐ