Trung Quốc: chạy đua vào mầm non Chuẩn bị năm học mới học kỳ mùa thu 2010, các bậc phụ huynh Trung Quốc giờ đang đau đầu vì chuyện cho con đi học mầm non. Họ kháo nhau ở Trung Quốc hiện nay "lên nổi tiểu học, lên nổi trung học chứ không lên nổi mầm non". Xếp hàng gần 10 ngày chờ mua hồ sơ đăng ký học cho con tại Trường mầm non Công nghiệp Xương Bình, Bắc Kinh - Ảnh: bjwanbao.com Nhật Báo Bắc Kinh ngày 9-6-2010 mô tả hàng trăm phụ huynh đã xếp hàng tám ngày tám đêm trước cửa Trường mầm non Công nghiệp quận Xương Bình (Bắc Kinh) để chờ mua hồ sơ cho con nhập học. Nhiều người còn mang theo cả ghế xếp, ghế bố và lều bạt để cắm trại trước cửa trường vì lo ngại không mua được hồ sơ. Cá biệt có cụ già 96 tuổi đã lều chõng đến trước cửa trường ngồi lì cả 10 ngày trước để xin cho cháu nội vào học. Từ hai năm qua, cứ vào độ tháng 6 thì cảnh xếp hàng thâu đêm suốt sáng tái diễn ở trường này. Không chỉ ở Bắc Kinh mà nhiều nơi khác như Tô Châu (Giang Tô), Tế Nam (Sơn Đông), Quảng Châu, Bắc Kinh... cảnh phụ huynh lều chõng chạy trường cho con cũng diễn ra tương tự.
Trung Quốc hiện có khoảng 140.000 trường mầm non, chỉ đáp ứng được 50% trong 52 triệu trẻ em trong độ tuổi đến trường 3-5 tuổi. Trong khi đó số trẻ tăng liên tục trong bốn năm (2006-2010), bình quân mỗi năm có khoảng 20 triệu trẻ ra đời. Theo Nhật Báo Phương Nam, ngay từ ngày 22-5 ngành mầm non công lập ở Quảng Châu đã chính thức thông báo chiêu sinh học kỳ mùa thu 2010, nhưng phụ huynh không tài nào mua được hồ sơ đăng ký cho con bởi hầu hết các trường đều đóng cửa im ỉm hoặc treo bảng đã đủ chỉ tiêu chính thức. "Trường này nói hết chỉ tiêu, trường kia cũng hết chỉ tiêu" - ông Trương, một phụ huynh, đã nhiều ngày chạy hết trường này đến trường khác mà vẫn chưa đăng ký được cho con trai vào trường. Lý do đơn giản: rất nhiều trường mầm non ở Quảng Đông như tại Quảng Châu, Thâm Quyến, Trung Sơn, Phật Sơn đều đã đầy những... thư tay. Cá biệt có trường chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 120 nhưng nhận được đến 400 thư tay gửi gắm! Nhật Báo Quảng Châu nhận định "mối quan hệ" đã trở thành một trong những con đường mà nhiều phụ huynh ở Trung Quốc lựa chọn, dù tốn kém, để giành được một suất trong chỉ tiêu phân phối "nguồn tài nguyên có hạn" của các trường mầm non. Họ phải "giật gấu vá vai" để con trẻ được đến trường. Ở các trường điểm lại xuất hiện loại hình mầm non dự bị để thu nhận thêm chỉ tiêu ngoài quy định. Trẻ muốn vào lớp dự bị này phải chịu làm hồ sơ ít đi một tuổi, tuy không hợp với quy định nhà nước nhưng phụ huynh vẫn ùn ùn chấp nhận đưa con vào lớp này cốt chỉ để giữ một chỗ lên mầm non chính thức. Trước thực trạng loạn mầm non này, câu trả lời của chính quyền địa phương đều chung chung là do cầu vượt quá cung, cơ sở vật chất không đáp ứng nổi số trẻ trong độ tuổi đến trường của từng địa phương. "Mức đầu tư trong lĩnh vực mầm non ở Trung Quốc chưa đáp ứng nổi nhu cầu của trẻ trong độ tuổi này"- Y Hậu Khánh, phó giám đốc Sở Giáo dục Thượng Hải, cho biết. Học phí cao hơn đại học và lớp dự bị Theo Tân Hoa xã, mức học phí ở các trường tư mỗi nơi mỗi khác nhau, thành thị có mức của thành thị, nông thôn có mức của nông thôn, có nơi thu đến 1.700 nhân dân tệ/tháng. Nhật Báo Quảng Châu so sánh mức học phí này còn vượt qua mức bình quân 4.500-6.000 nhân dân tệ/năm của bậc đại học. Chưa hết, phụ huynh còn phải gồng mình vì những khoản ủng hộ tự nguyện cho nhà trường. "Năm 2009 tiền ủng hộ chỉ 12.000 nhân dân tệ, năm 2010 tăng lên 12.600 nhân dân tệ nhưng phải nộp một lúc ba năm liền, không được nợ" - ông Lý đang chờ thông báo từ trường mầm non mà ông xin cho con trai vào học cho biết. Tìm đường cho con vào trường công không xong, các phụ huynh ở Trung Quốc chuyển hướng sang các trường tư, nhưng ở đây họ lại đối mặt với cửa ải khác: học phí cao ngất ngưởng. Nhật Báo Quảng Châu cho biết mức học phí năm học 2010 ở các trường này đã tăng 20-40% so với năm 2009. Câu chuyện chạy trường cho con vào học mầm non chỉ dừng lại ở người dân có hộ khẩu chính thức tại các thành phố lớn có thu nhập ổn định. Riêng với những gia đình cha mẹ là người nhập cư thì chuyện cho con học mầm non là ước mơ quá xa vời. Theo Tuổi Trẻ |