Hôm nay, học sinh trên địa bàn TP.HCM tựu trường. Và để con em mình vào được những trường mơ ước, không ít phụ huynh đã "chạy" bằng đủ mọi cách. Có người phải bỏ ra hàng chục triệu đồng cho một chỗ ngồi ở tiểu học. Thậm chí để được đúng tuyến, có hộ gia đình cho đến... 10 học sinh nhập hộ khẩu! Phải chi đến 20-30 triệu đồng để "chạy" vào trường X, trường Y. Thế nhưng, khi trường công bố danh sách lại không có tên những học sinh được cha mẹ "chạy". Hiệu trưởng khẳng định không hề nhận tiền của phụ huynh. Chuyện gì đã xảy ra? Học sinh lớp 1/4 Trường tiểu học Bàu Sen Q.5, TP.HCM những ngày đầu làm quen với môi trường tiểu học - Ảnh: NHƯ HÙNG Trong những ngày chuẩn bị cho năm học mới, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM phát hiện vụ "chạy" trường có giá cả, số tiền cụ thể. Một người là giáo viên bậc THPT nhận 18 triệu đồng của phụ huynh để "lo" cho con của phụ huynh này vào Trường THCS Trần Văn Ơn. Không hề quen biết hay có mối quan hệ mật thiết nào với Trường Trần Văn Ơn, giáo viên này nhờ bạn mình là giáo viên một trường sư phạm trên địa bàn TP. Giáo viên trường sư phạm lại nhờ đến một người khác trong ngành giáo dục. Đến lượt vị cán bộ làm việc trong ngành giáo dục lại mối lái thêm với người khác. Thế nhưng, rốt cuộc học sinh được cha mẹ "chạy" trường không có tên trong danh sách học sinh lớp 6 Trường Trần Văn Ơn. Sự việc vỡ lở, người ta phát hiện "đường dây" này tổng cộng có đến năm người đều đang làm việc trong ngành giáo dục.
"Chúng tôi mong muốn con mình được học hành trong môi trường tốt nhất. Chính vì thế tôi đã nhờ bạn bè giới thiệu và xin cho con mình nhập hộ khẩu tại địa chỉ... ở P.3, Q.5 để cháu được vào Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5, TP.HCM". Đó là tâm sự của một phụ huynh với Tuổi Trẻ. Phụ huynh này cũng thông tin thêm có đến 15 học sinh đã nhập hộ khẩu vào hai địa chỉ 363 L1, 363 L2.... P.3, Q.5 với mức phí 3-5 triệu đồng/suất. Tuy vậy, trong số đó chỉ có ba học sinh được duyệt vào học lớp 1 Trường Bàu Sen, 12 học sinh còn lại không được vào học. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bảo - hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5 - lấy tất cả hồ sơ học sinh lớp 1 năm học 2010-2011 ra cho chúng tôi xem. Tại địa chỉ 363 L2... chúng tôi đếm có 10 học sinh cùng sinh năm 2004 (độ tuổi vào lớp 1 năm nay), có học sinh được ghi trong sổ hộ khẩu là "cháu", có học sinh được ghi là "bà con". Các học sinh này mang nhiều họ khác nhau: Võ, Vũ, Nguyễn, Ngô, Dương, Đỗ... Hộ khẩu của các học sinh này trước khi chuyển đến 363 L2... là: Q.8, Q.11, Tân Bình. Cũng có học sinh hộ khẩu ngay tại Q.5 nhưng thuộc phường khác, hoặc có học sinh không ghi nơi ở trước khi chuyển đến. Theo ông Nguyễn Xuân Bảo: "Những năm trước tại địa chỉ 363... đều có 1-2 bé trong độ tuổi vào lớp 1. Gia đình này không xa lạ gì với chúng tôi vì trước đây có một người từng làm việc tại Trường Bàu Sen. Biết là phụ huynh chạy hộ khẩu nhưng ban tuyển sinh của trường vẫn duyệt cho các bé vào học. Trước mùa tuyển sinh đầu cấp năm học 2010-2011, tôi đã trực tiếp gặp chủ hộ khuyên không nên làm như thế, nếu chủ hộ vẫn cho các em nhập hộ khẩu vào tôi sẽ không duyệt nữa". Và Trường Bàu Sen đã thực hiện theo quy định của Phòng GD-ĐT Q.5: tại địa chỉ trên có hai học sinh nhập hộ khẩu trước tháng 12-2009 được vào lớp 1. Hạn chế từ ngọn? Năm học này, tại TP.HCM đã có khá nhiều trường thực hiện tuyển sinh lớp 1 theo thời gian nhập hộ khẩu. Như Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 ưu tiên nhận học sinh nhập hộ khẩu tại phường Đa Kao năm 2004, còn chỉ tiêu mới đến các cháu nhập hộ khẩu năm 2005, 2006... Mặc dù vậy, tình trạng "chạy" trường vẫn không thuyên giảm. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay các phụ huynh đã chuyển hộ khẩu trước cho con từ khi bé mới 3, 4 tuổi, cộng thêm nhờ một người có vai vế xin giúp. "Chính tình trạng gửi gắm của một số vị có chức, có quyền khiến chúng tôi rất đau đầu. Chỉ tiêu tuyển thì ít, số gửi gắm lại quá nhiều, không biết lấy ai, bỏ ai. Nếu là con, cháu ruột của các vị ấy thì có thể thông cảm được. Nhiều vị viết giấy gửi mà không biết học sinh đó là ai. Tình trạng nhờ vả theo kiểu dắt dây như vụ việc xảy ra tại Trường Trần Văn Ơn khiến nhiều người trung gian "thừa nước đục thả câu" - nhận tiền của phụ huynh chứ ban giám hiệu các trường làm sao dám nhận" - một hiệu trưởng ở Q.1 than thở. Thậm chí để hạn chế chuyện "chạy" trường, hạn chế việc một số kẻ môi giới lợi dụng lòng tin của phụ huynh để trục lợi, mùa tuyển sinh năm trước một số trường trên địa bàn Q.Thủ Đức đã công bố danh sách cụ thể những học sinh thuộc diện gửi gắm, họ tên - chức vụ những người viết giấy gửi gắm. Thế nhưng, chuyện "chạy" trường năm học này vẫn không thuyên giảm. Chẳng những thế, mức độ và hình thức "chạy" trường còn ngày càng tinh vi hơn. Và có lẽ, vấn nạn này sẽ khó lòng được giải quyết khi các trường vẫn phải loay hoay giải quyết từ ngọn, trong khi gốc rễ vấn đề là làm sao nâng cao chất lượng giáo dục một cách đồng bộ giữa các trường, các khu vực thì vẫn chưa làm được.
Theo Tuổi Trẻ |