Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

“Đồng phục” cả đồ dùng học tập


Bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh khá "khốn đốn" khi không mua giấy, vở, đồ dùng học tập...theo đúng mẫu của nhà trường.

Phụ huynh rất vất vả khi tìm mua đồ dùng học tập đúng yêu cầu của giáo viên

"Phải đúng vở màu xanh lá cây"
Chị Minh Hà có con vào lớp 1 Trường Tiểu học B (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cả tuần nay chị chạy đôn đáo các cửa hàng sách trong thành phố để tìm mua cho con đúng quyển vở ô ly mẫu chữ lớp 1 như cô giáo yêu cầu. Chị phân trần: "Hôm nộp hồ sơ nhập học, do tôi đi công tác nên bà cháu ra nộp thay, không biết để đăng ký mua vở của trường. Đến hôm nhận lớp, con gái về mếu máo bảo mẹ mua vở không đúng, cô bảo phải mua quyển khác, quyển màu xanh lá cây. Tôi đến hỏi nhà trường xin mua thì được trả lời, vì không đăng ký nên không có, trường bán hết rồi". Cùng là loại vở ô ly có mẫu chữ lớp 1 nhưng hiện nay, có đến cả chục đầu sách của nhiều NXB khác nhau. Loại vở "màu xanh lá cây" như trường con gái chị Hà yêu cầu thì hầu như cửa hàng sách nào cũng đã bán hết, chị phải vào tận NXB mới mua được vở cho con.

Anh Nguyễn Trung (quận Đống Đa) cũng vất vả không kém khi tìm mua bút cho con. Vì không đăng ký mua bút máy ở lớp mà anh phải mất rất nhiều thời gian mới tìm được đúng loại bút như cô giáo yêu cầu. Anh bức xúc: "Cũng là bút để viết mà cô giáo còn phân loại bút viết trên lớp và bút viết ở nhà. Bút mua theo yêu cầu của cô chỉ dùng để viết trên lớp, tan học là cất vào tủ, không đúng loại đó cô không cho làm bài. Thật là lạ!"

Có phải vì bệnh thành tích?
Vài năm học trở lại đây, mỗi khi bước vào năm học mới, rất nhiều trường yêu cầu phụ huynh phải mua sách vở, đồ dùng học tập như bút, giấy kiểm tra, giấy màu, thậm chí cả bọc vở và nhãn vở phải theo một mẫu nhà trường đã chọn. Hiện tượng này xảy ra khá phổ biến ở cấp tiểu học, lý do các cô giáo đưa ra, là để bộ mặt chung của lớp đồng bộ, thuận tiện cho việc chấm điểm thi đua.

Lãnh đạo một số trường cho biết, việc mua sách vở này hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh chứ nhà trường không ép buộc. Thế nhưng thực tế cho thấy, nếu phụ huynh nào không mua, rõ ràng con em họ sẽ gặp không ít khó khăn mỗi khi đến lớp.

Phong trào "đồng phục" này đã gây phiền hà cho phụ huynh, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thanh (quận Hai Bà Trưng) cho biết, hai vợ chồng chị đều không có việc làm ổn định, chồng chạy xe ôm, chị bán rau ngoài chợ nên lo cho 2 đứa con đang học tiểu học là vô cùng khó khăn mỗi dịp năm học mới. Chị bức xúc: " Tại sao bây giờ các trường lại sính bệnh thành tích, gò ép và gây khó dễ cho cả học sinh và phụ huynh như vậy?".

Dưới danh nghĩa "tự nguyện", "có sự đồng ý của phụ huynh học sinh" mà hiện tượng "đồng phục" đồ dùng học tập đang ngày càng phát triển mạnh ở nhiều trường, trở thành một vấn đề không nhỏ mỗi khi năm học mới bắt đầu.

Theo Báo Lao Động