Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Singapore: Áp lực học hành từ tuổi mầm non


Timothy Lee mới 5 tuổi và chưa đến tuổi vào tiểu học, nhưng ngay từ bây giờ cậu đã được bố mẹ cho tham gia các lớp học sáu ngày mỗi tuần.

Từ thứ Hai đến thứ Sáu, Timothy đến lớp mẫu giáo như bình thường, nhưng đến thứ Bảy cậu bé tham dự hai lớp học đặc biệt về ngữ âm và bàn tính cùng với bốn trẻ khác tại một "trung tâm làm giàu tri thức" để học đọc và làm tính cơ bản. Mẹ cậu bé, một nhân viên hành chính có tên Lynn lý giải: "Học bàn tính rất tốt cho phát triển não và giúp cháu tính cộng, trừ. Nhờ thế khi học tiểu học cháu sẽ trả lời nhanh hơn các bạn".

Bản thân Timothy không thấy ngại bởi mọi người đều như thế cả. "Cháu không cảm thấy mệt", cậu bé nói. "Cháu được gặp các bạn và thỉnh thoảng chúng cháu còn chơi trò chơi trong lớp".

Trong một nền giáo dục áp lực cao nơi kết quả các kỳ thi có ý nghĩa quan trọng hơn bất cứ điều gì khác tại Singapore, các bậc phụ huynh không tiếc tiền để đầu tư cho con cái học tập nhằm đảm bảo chúng sẽ vượt qua các kỳ thi trong tương lai để ghi danh vào các trường đại học hàng đầu trong nước.

Tại quốc đảo sư tử, tất cả trẻ em được hưởng nền giáo dục công lập miễn phí trong khi các trường quốc tế thì dành cho trẻ em nước ngoài cộng với một số ít ngoại lệ. Tuy nhiên, chi phí cho con cái học thêm có thể tiêu tốn của các bậc bố mẹ vài trăm USD mỗi tháng. Đổi lại, họ cũng thúc ép con em mình phải làm bài tốt trong các kỳ thi hoàn tất tiểu học và trung học cơ sở và điều này tạo ra áp lực to lớn cho các em. Ông William Toh, một trong ba nhà sáng lập cổng thông tin giáo dục nhận xét: "Tiêu chuẩn qua mỗi năm lại khó hơn bởi trẻ em được chuẩn bị ngày càng tốt hơn cho việc vào tiểu học, và các giáo viên cũng như trường học phải cập nhật chương trình giảng dạy của họ cho xứng với kỳ vọng cao hơn".

Mang tên KiasuParents.com - từ "kiasu" có nghĩa là cạnh tranh quá mức, cổng thông tin mà ông Toh là đồng sáng lập viên này cho phép các bậc bố mẹ tìm hiểu, so sánh các đánh giá về các trung tâm học tập tư nhân. Với 21.000 thành viên đăng ký kể từ tháng 9.2007, trang mạng này tuyên bố được gần 2 triệu lượt "ghé thăm" mỗi tháng từ các bậc phụ huynh mong muốn tìm kiếm nơi học tốt nhất cho con em mình.

Theo số liệu gần đây nhất do Bộ Thống kê Singapore cung cấp, tại một đất nước nhỏ bé như Singapore, số trung tâm học tập như thế từng lên đến con số 679 năm 2008, với doanh thu tổng cộng lên tới gần 250 triệu đôla Singapore (tương đương 180 triệu USD). Số liệu này không bao gồm chi phí cho các gia sư bán thời gian vốn cũng là một ngành công nghiệp đang phát triển nở rộ ở Singapore.

Các trung tâm này cung cấp các khóa học bằng tiếng Anh và tiếng Quan thoại, yếu tố chính trong các kỳ thi toàn quốc cùng với toán học và khoa học.

Học sinh Singapore phải trải qua hai kỳ thi chính là ở bậc tiểu học và sau trung học cơ sở. Đạt điểm cao ở kỳ thi hoàn tất tiểu học (PSLE) - được coi là từ viết tắt quen thuộc nhất đối với các bậc cha mẹ ở Singapore - đồng nghĩa với việc cánh cửa vào đại học đã mở thênh thang.

"Đôi khi chúng tôi cũng bị các bậc phụ huynh yêu sách này nọ", ông Tony Tan, giám đốc Trung tâm giảng dạy SmartLab, hiện có 9 chi nhánh và chuyên cung cấp cho học sinh kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi hóc búa, nói. Trong khi đó, ông Mark Nowacki, một giáo sư đại học điều hành Logic Mills, trung tâm chuyên mở các khóa học về khả năng tư duy phân tích cho các tổ chức và trường học, lại cho rằng các bậc phụ huynh Singapore cần biết thư giãn. Ông nói: "Nếu bạn thấy việc học thêm làm cho con cái mệt mỏi thì bạn nên dừng lại bởi tiếp tục sẽ chỉ khiến chúng thêm sợ việc học hành".

Nhưng sắp tới có thể áp lực học hành của trẻ em Singapore sẽ giảm bớt. Đó là vì sau một nghiên cứu tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo dục Singapore đã quyết định, trẻ em vào tiểu học từ năm 2013 sẽ không phải trải qua các kỳ thi thông thường trong quá trình 6 năm tiểu học. Nhưng cuộc kỳ PSLE vẫn được giữ nguyên. Ông Toh cho rằng, biện pháp cải cách này là một bước đi đúng hướng nhưng dù sao kỳ thi PSLE vẫn tiếp tục khiến các bậc phụ huynh phải chạy đua và sức ép với con trẻ đương nhiên vẫn nặng nề. Ông thừa nhận: "Thực tế sức ép với các em có thể còn cao hơn bởi vì cho dù nhà trường không tổ chức thi, các bậc phụ huynh vẫn phải cho con cái họ đi học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi PSLE".

Theo Báo VH