TP.HCM: Nhọc nhằn chỗ học mầm non Đi ngược với sự tăng dân số cơ học là tiến độ xây dựng trường lớp còn chậm đã làm cho tình hình học ở cấp học mầm non ngày càng căng thẳng. Điều này đang gây nên tình trạng quá tải ở các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM. Nếu như ở Trường mầm non Sơn Ca 5 (quận 12) có hơn 130 phụ huynh phải túc trực từ khuya chờ xin đơn mà chỉ có 26 trường hợp xin được để nộp hồ sơ cho con (vì trường chỉ có 1 lớp mầm cho trẻ sinh năm 2007) thì ở các trường mầm non khác luôn phải từ chối hàng chục trường hợp vì không đủ chỗ, đặc biệt là những trường hợp trẻ không học nhà trẻ thì "đột nhiên" xin vào lớp mầm sẽ rất khó. Bà Quách Hương Trinh, Hiệu trưởng Trường mầm non Vườn Hồng cho biết, mặc dù nhà trường có đến 7 điểm lẻ nhưng ngoài lượng học sinh cũ thì chỉ tiếp nhận được 30 cháu lớp mầm nữa (sinh năm 2007) vì các điểm lẻ phần lớn đã xuống cấp, mấy tháng hè là lúc các trường đang sửa chữa nhưng dù có sửa xong thì mỗi điểm như thế chỉ tiếp nhận được 1-2 lớp, vì thế không thể tránh khỏi phải từ chối nhiều trường hợp. Đa phần các trường mầm non đều đang rất quá tải cho nên chỉ cần trường thông báo phát hồ sơ thì mới 1-2 ngày đã tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí phải từ chối rất nhiều trường hợp. Vậy mà, có một trường mầm non ra thông báo tuyển sinh cả tháng trời cũng chưa đủ chỉ tiêu. Thậm chí cô hiệu trưởng phải gọi điện thoại cho từng trường hợp "mời" ra lớp. Vậy mà gần đến ngày tựu trường cũng chỉ lác đác hơn nửa chỉ tiêu. Đó là Trường mẫu giáo Mầm non phường 8, quận 8. Một điều khiến phụ huynh không mặn mà là vì từ khi thành lập năm 1976 đến nay trường chỉ dạy được có 1 buổi mà thôi. Trường cũng không thể duy trì lớp hè vì chỉ có từ 2-5 phụ huynh đăng ký học. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, đến thời điểm này, các trường khác đã chốt danh sách để xếp lớp mà trường cô mới nhận được 68 đơn, trong khi chỉ tiêu của trường là 90 trẻ. Cũng bởi trường chỉ dạy 1 buổi nên nhiều phụ huynh đi làm không tiện cho việc gửi con. Những cháu gửi ở đây đa phần là gia đình khó khăn hoặc không thể xin học những nơi khác. Giải thích việc chỉ dạy một buổi, bà Ngọc nói vì điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, trường không thể nấu ăn cho trẻ nên chưa thể cho các cháu ở cả ngày. Chính vì vậy mà học phí ở đây cực rẻ, chỉ 90.000 - 100.000 đồng/tháng, trẻ được ăn bữa ăn phụ với giá 1.500đ/cháu. Nhiều trường hợp nhà trường phải gọi điện năn nỉ mãi phụ huynh mới đóng tiền, thậm chí phải đóng gối đầu hằng tháng vì nhiều gia đình quá khó khăn. Theo khảo sát, phường 8 có đến 475 trẻ cần chỗ học nhưng phường chỉ duy nhất có trường mầm non này (chỉ tiêu 90 trẻ) lại không dạy bán trú, vì thế gần 400 trẻ buộc phải xin học trái tuyến. Được biết, hiện nay một số trường mầm non đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành, tuy nhiên, vẫn chưa kịp đưa vào sử dụng cho đầu năm học mới, do đó các cháu phải học tạm ở những điểm lẻ với cơ sở vật chất cũ kỹ, xập xệ. Theo quy định, lớp nhà trẻ và lớp mầm 25 học sinh/lớp, lớp chồi 30 học sinh và lớp lá là 35 học sinh/lớp, tuy nhiên, vì không đủ chỗ học nhiều trường đã phải tăng sĩ số lên 40-45, thậm chí là trên 50 học sinh là chuyện thường. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng mầm non (Sở GD&ĐT) cho biết, hiện TP còn 15 phường, xã chưa có trường mầm non công lập. Do đó gây nên tình trạng quá tải, đặc biệt là ở các quận, huyện có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất như: Quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn, Tân Phú. Tại các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh tỉ lệ trẻ học 2 buổi còn thấp. Sở GD&ĐT tiếp tục có công văn đề nghị phòng giáo dục - đào tạo các quận, huyện chấn chỉnh việc tổ chức thu nhận trẻ đầu năm học mới. Theo đó, đề nghị các đơn vị phải có kế hoạch tuyển sinh và nêu rõ khoảng thời gian dài cần thiết để nhận hồ sơ; tiêu chuẩn nhận trẻ theo các ưu tiên; có hội đồng xét duyệt và niêm yết công khai danh sách thu nhận trẻ mới. Thực hiện tốt việc phân công cụ thể Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng trực giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác thu nhận trẻ, tránh gây phiền hà cho phụ huynh; và thực hiện tốt việc phân công cụ thể. Đối với những trường hợp phải từ chối tiếp nhận thì cũng cần giải thích rõ ràng để phụ huynh thông cảm với những khó khăn của nhà trường. Theo Báo Văn Hóa |