Làm sao để trẻ ngoan hơn? Các biện pháp thay thế việc trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em là gì? Tâm trạng, suy nghĩ của trẻ ra sao khi bị người lớn nhiếc mắng, đánh đòn? Tất cả những câu hỏi trên đã được đem ra bàn luận và tìm ra câu trả lời tại Hội thảo “Không dùng hình phạt với trẻ - Sử dụng các biện pháp thay thế” (do Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển phối hợp với Sở GD - ĐT TP.HCM tổ chức trong 3 ngày 15 đến 17-3-2006 với sự tham dự của gần 100 cán bộ ngành GD - ĐT và giáo viên các trường tiểu học trong TP). Bạn có muốn con mình bị phạt? Hội thảo được bắt đầu bằng việc các đại biểu hồi tưởng lại thời thơ ấu: “Mỗi khi bạn phạm lỗi thì người lớn đối xử với bạn ra sao?”. “Khi bị phạt cảm tưởng của bạn như thế nào?”, “Liệu các bạn có muốn con của các bạn có cùng cảm xúc như thế không?”. Câu trả lời của các đại biểu na ná giống nhau, bởi không ai muốn con em mình sợ hãi và đau đớn khi bị mắng hay đánh đòn. Và các đại biểu cùng đồng tình với định nghĩa về sự trừng phạt thân thể và tinh thần: là các hành vi sử dụng vũ lực, áp lực, lời nói để gây ra đau đớn nhưng không nhằm gây thương tích. Hành vi này được sử dụng như một hình thức kỉ luật hoặc giáo dục bao gồm: Sự trừng phạt thể xác: đánh trẻ bằng tay hay đồ vật (như gậy, thắt lưng, roi, giày...), đá, lắc, ném, véo, giật tóc, buộc trẻ phải ngồi hay quì… trong các tư thế khó chịu, buộc trẻ phải thực hiện quá mức các bài tập thể lực, đe dọa trẻ... Sỉ nhục hay hạ thấp nhân phẩm trẻ: chủi bới, mỉa mai, xa lánh, bỏ mặc trẻ… Khi thảo luận, phân tích, mổ xẻ, các đại biểu đều có chung nhận xét: làm như vậy là sai, là vi phạm pháp luật, người giáo viên có thể sử dụng hàng lọat các biện pháp khác để thay thế. Nhưng sự việc không chỉ dừng lại đó, một cán bộ Phòng GD đã thắc mắc “hình như từ trước đến giờ chưa có giáo viên nào bị xử lí theo đúng pháp luật hiện hành vì tội hành hạ người khác (Theo điều 110, Bộ luật hình sự của nước CHXHCNVN sửa đổi năm 1999 thì tội hành hạ người khác (đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật) sẽ bị phạt tù từ 1 - 3 năm). Cao nhất có lẽ chỉ bị đưa ra khỏi ngành là nặng lắm rồi, còn lại hầu hết xử lí nội bộ, cảnh cáo, khiển trách. Có phải vì thế nên tình trạng giáo viên dùng hình phạt với HS vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi? “. Hãy đối xử với trẻ bình đẳng Cũng tại buổi hội thảo, Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển đã công bố kết quả cuộc khảo sát “Thực trạng trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em” tại 4 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Gia Lai và Tiền Giang, trong số 571 phụ huynh, chỉ có 30,8% người chịu lắng nghe trẻ giải thích khi chúng phạm phải lỗi lầm; 37,3% dùng hình thức quát, mắng; 28,6% đánh đòn và 20,2% chửi và sỉ nhục. Số người lớn tìm hiểu nguyên nhân mắc lỗi ở trẻ chỉ chiếm 33,5%. Thế nhưng, các phụ huynh cũng nhận thấy rằng: trẻ thường khóc, sợ hãi khi bị người lớn quát mắng, chửi, đánh đòn hoặc phạt (đặc biệt những em dưới 10 tuổi). Một số trẻ độ tuổi vị thành niên còn phản ứng bằng cách cãi lại người lớn hoặc bỏ đi. Khi bị trừng phạt về thân thể và tinh thần, khảo sát trên 514 em từ 5 - 18 tuổi cho thấy 69,3% trẻ cảm thấy buồn chán; 14,2 % trẻ cảm thấy oan ức; 2,7 % cảm thấy căm giận người lớn; 26,8 % sợ hãi và 0,2 % còn muốn trả thù. Bên cạnh đó, 81,7% trẻ mong muốn được người lớn phân tích, khuyên bảo nhẹ nhàng khi mình phạm lỗi. Những khuyến nghị mà khảo sát trên đưa ra: ngoài những biện pháp thiết thực, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường, Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, các tổ chức phi chính phủ... thì các bậc cha mẹ cần phải trau dồi kiến thức về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái. Người lớn không nên xem trẻ "chưa biết gì" và phải nằm dưới quyền kiểm sóat của người lớn. Người lớn hãy nhìn nhận các em như một đối tượng bình đẳng với mình để chia sẻ và cùng nhau trao đổi đi đến thống nhất ý kiến trước khi đưa ra quyết định có liên quan đến trẻ em. Tuổi Trẻ
|