Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Biên chế các trường TP HCM như chiếc áo quá chật'


"Các trường mầm non và phổ thông thành phố ngày càng được đầu tư, mở mang hơn nên thiếu giáo viên, nhân viên, nhất là những người làm khâu gián tiếp. Bộ máy biên chế nhiều đơn vị như cái áo quá chật, không mặc được nữa", bà Ngô Ngọc Dung, Trưởng phòng Tổ chức Sở Giáo dục Đào tạo TP HCM, nói.

Tại buổi thảo luận hôm qua với đại diện các Phòng giáo dục, các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn về bộ máy biên chế cho các trường này, bà Dung cho biết, thành phố hiện có khoảng 58.000 cán bộ, công nhân viên trong định biên. Nhưng số lượng này không đủ đáp ứng yêu cầu của hoạt động dạy và học, trong điều kiện cơ sở vật chất trường, lớp được xây dựng, nâng cấp, đổi mới nhiều trang thiết bị hiện đại.


Trường Mầm non bán công thành phố được xây dựng khang trang. 

"Trường, lớp cần người giữ gìn khang trang, sạch đẹp, thiết bị cần người quản lý, hướng dẫn. Nhu cầu kiến thức bổ trợ và hoạt động thể thao, giải trí của học sinh cũng ngày càng đa dạng, nâng cao hơn. Các trường rất cần người đảm nhiệm những khâu gián tiếp phục vụ cho dạy và học", bà Dung nhìn nhận.

Hầu hết đại biểu tham gia thảo luận đều phản ánh thực trạng như bà Dung đã nêu. Theo ông Nguyễn Phùng Quốc Hùng, Hiệu trưởng THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, nhiều trường đang quá tải do giáo viên dự phòng ít.

Ông Hùng cho biết, Trung Phú đang có chừng 70 giáo viên, cán bộ và nhân viên. Nhưng trung bình mỗi năm, trường có 5-6 người nghỉ sinh con. Nếu thành phố chỉ cho tỷ lệ giáo viên dự phòng là 0,3% thì không đủ để dạy thế những người nghỉ sinh, chưa kể người nghỉ ốm hoặc nghỉ các việc đột xuất khác. "Nhiều giáo viên, nhân viên phải gồng gánh phần việc vượt sức mình", ông Hùng tỏ vẻ bức xúc. "Nếu thành phố cho thêm định biên dự phòng, cán bộ, thầy cô có thời gian nghỉ ngơi, nghiên cứu, chấm bài, soạn giáo án... và chất lượng giảng dạy sẽ cao hơn. Giáo viên dự phòng không bao giờ thừa vì họ có thể làm nhiều việc khác trong trường nếu chưa có giờ dạy thay".

Còn theo ông Lê Văn A, Hiệu trưởng THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, cơ quan chức năng cần xem xét để các trường có thêm giáo viên tư vấn học đường và người chuyên tổ chức các tiết mục văn hoá, thể dục, thể thao theo hướng sân khấu hoá.

Ông A phân tích, học sinh dễ bị tác động tinh thần khi có vướng mắc trong quan hệ gia đình, bạn bè, những vấn đề nảy sinh trong học đường... nên cần có người hiểu tâm lý để thổ lộ, khuyên răn, định hướng. Còn các hoạt động vui chơi, giải trí được sân khấu hoá sẽ tạo điều kiện cho các em hào hứng tham gia, giảm căng thẳng trong quá trình học và tiếp thu bài hiệu quả hơn. "Trường phổ thông ở nhiều nước đã có người chuyên đảm nhiệm những công việc này. Các trường của thành phố không thể không tính đến", ông A đề xuất.

"Đến lúc bộ máy biên chế các trường phải được thay áo mới, cần có cơ chế thoáng cho các trường. Tùy từng đơn vị, các hiệu trưởng phải đổi mới trong suy nghĩ, phong cách làm việc để có cơ cấu hợp lý", bà Dung kết luận.

Vnexpress